Tình hình tội phạm mua bán người (MBN), đặc biệt là mua bán phụ nữ, trẻ em đang diễn biến phức tạp và trở thành vấn đề nóng bỏng, nhức nhối, là mối hiểm họa đối với loài người, được Liên Hợp Quốc đưa vào Chương trình phòng chống MBN toàn cầu. Trong những năm gần đây, tình hình tội phạm mua bán người tại tỉnh Quảng Trị tuy không tăng về số vụ và số người mua bán nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ và diễn biến phức tạp.
Địa bàn tỉnh Quảng Trị được xác định là địa bàn trực tiếp và địa bàn trung chuyển của tội phạm MBN lợi dụng để gây án. Chúng thường tìm cách dụ dỗ, lừa gạt đưa những nạn nhân là người ở trong tỉnh hoặc ở các tỉnh, thành khác để bán sang Trung Quốc, Lào và các nước trong khối ASEAN để sử dụng vào hoạt động mại dâm, lao động khổ sai hoặc các mục đích khác.
Trong những năm qua, trên cơ sở biên bản ghi nhớ hàng năm, Hội LHPN tỉnh Quảng Trị (Việt Nam), Hội LHPN tỉnh Savannakhet (Lào) và Ủy ban Phát triển Phụ nữ tỉnh Mukdahan (Thái Lan) đã tổ chức nhiều hoạt động giao lưu, trao đổi nhằm chia sẻ kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực công tác, trong đó chú trọng hoạt động phòng chống mua bán phụ nữ và trẻ em trên tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây.
Riêng Hội LHPN tỉnh Quảng Trị đã tổ chức 1 cuộc đối thoại chính sách quy mô cấp tỉnh về di cư an toàn và phòng ngừa MBN; 2 hội thảo về phòng, chống MBN; 1 chiến dịch truyền thông về phòng, chống MBN tuyến biên giới Việt Nam - Lào, có sự tham gia của Hội Phụ nữ tỉnh Savannakhet, Salavan (Lào) và Mukdahan (Thái Lan); phối hợp tổ chức Lễ phát động hưởng ứng Ngày toàn dân phòng chống MBN tại Hướng Hóa.
Phối hợp với Tổ chức Di cư quốc tế tại Việt Nam tổ chức 27 lớp tập huấn về di cư an toàn và phòng ngừa MBN cho 1.401 người dân thuộc đối tượng di cư tiềm năng tại các xã tuyến biên giới của tỉnh Quảng Trị; 1 lớp tập huấn nâng cao kỹ năng truyền thông về phòng ngừa MBN cho 35 cán bộ thuộc địa bàn huyện Hướng Hóa và Đakrông; 1 đối thoại chính sách về “Di cư an toàn và phòng chống mua bán người tại thị trấn Khe Sanh (huyện Hướng Hóa); tổ chức 8 điểm truyền thông, tư vấn lưu động về di cư an toàn và phòng ngừa MBN cho 467 người là công nhân tại các doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư nước ngoài tại khu vực Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo và người dân thuộc các địa bàn nguy cơ, 1 diễn đàn “Trẻ em với phòng chống mua bán người” tại khu vực các xã biên giới thuộc huyện Đakrông với hơn 200 em học sinh tham gia; thành lập và tổ chức sinh hoạt đều đặn 65 câu lạc bộ, 586 tổ/nhóm về phòng, chống tệ nạn xã hội, phòng chống MBN với 20.903 thành viên tham gia; duy trì các hoạt động hỗ trợ kết nghĩa giữa các bản hai bên biên giới Việt - Lào.
Các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức về di cư an toàn và phòng chống MBN do Hội LHPN tỉnh Quảng Trị phối hợp trong thời gian qua đã tạo được hiệu ứng lan tỏa trong cộng đồng, đặc biệt là khu vực biên giới Việt - Lào, góp phần cùng các cấp, các ngành ngăn chặn tình trạng phụ nữ, trẻ em bị mua bán và từng bước đẩy lùi tội phạm MBN trên địa bàn tỉnh.
Tại hội thảo, các đại biểu đã cùng thảo luận về thực trạng và giải pháp để tiếp tục thực hiện hiệu quả việc trao đổi, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, phòng chống MBN; hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về và sự phối kết hợp giữa các ngành; công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về mua bán phụ nữ, trẻ em; Hội Phụ nữ tỉnh trong phòng, chống MBN; trao đổi về những biện pháp, giải pháp phòng, chống MBN trong thời gian tới.
Đây là một trong những hoạt động thường niên nhằm tăng cường tinh thần đoàn kết, hợp tác, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm góp phần thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa phụ nữ các tỉnh Quảng Trị, Salavan, Savannakhet và Mukdahan.
Thanh Thúy