 |
Nhiều hộ dân tái định cư đã ổn định cuộc sống
|
Theo phân loại đối tượng, trong số 576 hộ dân tái định cư, có 109 hộ thuộc diện di dân vùng biên giới, 437 hộ di dân vùng thiên tai và 30 hộ chuyển đến sống tại làng thanh niên lập nghiệp.
Qua ghi nhận, đại bộ phận người dân chuyển đến vùng tái định cư đều có cuộc sống ổn định. Nhiều hộ đã đầu tư, phát triển các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao. Các mô hình làm ăn kinh tế giỏi ra đời ngày càng nhiều như: Mô hình trồng cao su tiểu điền và chăn nuôi ở xã Vĩnh Thủy (huyện Vĩnh Linh); mô hình trồng cà phê và chăn nuôi ở các xã Hướng Phùng, Hướng Lập, Hướng Tân (huyện Hướng Hóa); mô hình trang trại ở các xã Thanh, Thuận (huyện Hướng Hóa)… Trong số hộ dân tái định cư, có gần 300 hộ phát triển mô hình trang trại với số vốn đầu tư lớn, trên diện tích đất từ 5 – 10 ha. Nhiều hộ dân có thu nhập bình quân hơn 50 triệu đồng/năm.
Kết quả đáng mừng trên là nhờ sự nỗ lực làm tốt công tác quy hoạch; quá trình triển khai có sự thống nhất, đồng bộ từ tỉnh xuống cơ sở; cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống được chú trọng đầu tư xây dựng… Các dự án bố trí, ổn định dân cư đã góp phần làm giảm áp lực về mật độ dân số ở vùng đồng bằng, ven biển đông dân; đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của một bộ phận dân cư ở vùng sạt lở ven sông, vùng lũ quét trên địa bàn trọng yếu thường bị thiên tai đe dọa; giúp bố trí, sắp xếp lại lực lượng lao động, dân cư hợp lí giữa các vùng theo hướng tăng mật độ dân cư đáng kể ở vùng xung yếu của tỉnh, tạo thế vững chắc trong việc củng cố quốc phòng - an ninh trên địa bàn.
Tuy nhiên, công tác di dân, tái định cư trên địa bàn vẫn còn một số hạn chế như: Một bộ phận hộ dân còn mang tư tưởng trông chờ, ỷ lại; vốn đầu tư cho công tác di dân những năm qua chỉ mới đáp ứng từ 30 – 40% nhu cầu thực tế; chính sách hỗ trợ cho hộ gia đình di dân vẫn còn thấp; việc bố trí đất đai còn một số vướng mắc…
Q.H