Sức thu hút từ các gian hàng đặc sản địa phương ở Hải Lăng 

(QT) - Những sản phẩm truyền thống, đặc sản các vùng quê Hải Lăng ngày càng được người tiêu dùng trên địa bàn huyện và các tỉnh tin tưởng sử dụng nhiều thông qua kênh bán hàng từ các gian hàng bày bán sản phẩm được Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện Hải Lăng triển khai tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện.

Các gian hàng đặc sản Hải Lăng thu hút khách tham quan mua sắm. Ảnh: TT

 

Những ngày giáp Tết Nguyên đán Canh Tý, khu vực chợ Diên Sanh, khách hàng đến rất đông ở gian hàng trưng bày các sản phẩm truyền thống, đặc sản Hải Lăng đặt cạnh chợ để chọn mua những mặt hàng cần thiết. Bà Nguyễn Thị Lan, ở xã Hải Thọ cho biết: “Từ khi có gian hàng này, tôi yên tâm lựa chọn những mặt hàng đảm bảo tiêu chuẩn an toàn cho gia đình bởi mặt hàng nào cũng có nguồn gốc rõ ràng, được kiểm định an toàn thực phẩm, giá cả lại hợp lí”.

 

Tại gian hàng đặc sản huyện Hải Lăng đặt ở khu vực chợ Hải Lăng, thị trấn Hải Lăng, hàng hóa được người dân quan tâm lựa chọn những ngày này phổ biến là mứt gừng Hải Chánh, các loại bún miến Hải Phú, gạo sạch Hải Lăng hay nước mắm Mỹ Thủy… Chị Nguyễn Thị Thanh Thiên Trang, quản lí quầy hàng cho biết: “Hiện tại ở gian hàng bày bán gần 50 loại sản phẩm hàng hóa nông sản đại diện cho đặc sản của các xã, thị trấn trong huyện. Bình quân mỗi ngày doanh thu của cửa hàng từ 1,5 -2 triệu đồng. Ngoài cung ứng hàng hóa cho người tiêu dùng trên địa bàn, thông qua mạng xã hội facebook quảng cáo đặc sản Hải Lăng, chúng tôi còn bán ra các tỉnh, thành phố trong cả nước, nhờ vậy mà đặc sản Hải Lăng được khách hàng nhiều nơi biết đến và tin dùng”. Đối với gian hàng ở khu vực chợ Diên Sanh (Hải Thọ), để mở rộng thị trường, Hội LHPN xã đã chủ động kết nối với thị trường ở Đà Nẵng cung cấp các mặt hàng đặc sản Hải Lăng, nhờ đó doanh thu ngày càng ổn định.

 

Từ một số gian hàng thí điểm ban đầu, đến nay trên địa bàn huyện có 14 gian hàng đi và hoạt động, trong đó có 5 gian hàng được huyện hỗ trợ với tổng kinh phí 150 triệu đồng, gồm các gian hàng ở khu vực chợ Diên Sanh (Hải Thọ), Hải Ba, Hải Chánh, Hải An và thị trấn Hải Lăng. Các sản phẩm được trưng bày, quảng bá tại các gian hàng phong phú như gạo Hải Lăng, rượu Kim Long, dầu tràm Bảo Ngọc, nước mắm Mỹ Thủy, cam K4, nón lá Văn Trị, chổi đót Văn Phong, ném vùng cát Hải Lăng, các loại đậu… Ngoài ra còn có rau, củ, quả vùng cát theo thời vụ, các mặt hàng thủ công mĩ nghệ như tranh gạo, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng đa dạng của khách hàng. Ngoài số tiền hỗ trợ cho các gian hàng điểm, huyện đã đề xuất chính sách hỗ trợ mặt bằng không thu phí và hỗ trợ một phần kinh phí xây dựng gian hàng ở các địa phương. Đồng thời huyện cũng đã có văn bản đề nghị UBND các xã, thị trấn rà soát, đăng kí danh mục các sản phẩm đặc trưng, chủ lực của đơn vị mình để cung ứng cho các gian hàng. Các ngành chức năng phối hợp với các xã, thị trấn liên hệ các làng nghề, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ sản xuất để cung ứng sản phẩm. Các sản phẩm đều đảm bảo tiêu chuẩn có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, mẫu mã đẹp, đáp ứng yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn cho người tiêu dùng. Nhờ công tác chuẩn bị kĩ lưỡng nên các gian hàng đều thu hút ngày càng đông người dân đến mua sắm.

 

Theo chị Phạm Thị Kim Liên, Chủ tịch Hội LHPN xã Hải Thọ, các gian hàng được đặt cạnh chợ, tuy nhiên không vì thế mà sức mua giảm đi bởi giá cả các mặt hàng phù hợp, sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng nên người tiêu dùng ngày càng tin tưởng và dần tạo thói quen lựa chọn nông sản sạch của địa phương. Việc xây dựng các gian hàng tại các điểm chợ chính là kênh quan trọng giới thiệu các mặt hàng nông sản chất lượng đến người tiêu dùng, đồng thời hỗ trợ nông dân và các nhà sản xuất trong và ngoài huyện liên kết hợp tác sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, góp phần thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm nông nghiệp địa phương.

 

Để đảm bảo có nguồn nông sản sạch, chất lượng, trong năm qua, Hội LHPN huyện Hải Lăng đã chú trọng vận động và xây dựng 20 mô hình sản xuất lương thực, thực phẩm an toàn, phối hợp đề xuất xây dựng thương hiệu gạo sạch Hải Lăng. Đặc biệt đã xây dựng mô hình thực hiện chủ đề năm: “Chi hội phụ nữ tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn” tại xã Hải Thượng với 55 thành viên tham gia. Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Hải Lăng Lê Thị Thu Hòa cho biết: “Trong năm 2020, Hội LHPN huyện đẩy mạnh các hoạt động ngày “Phụ nữ khởi nghiệp” với chủ đề “An toàn với phụ nữ trong sản xuất, kinh doanh”, do vậy việc tiếp tục phát huy hiệu quả các gian hàng sản phẩm đặc trưng của huyện là một trong những nhiệm vụ quan trọng để sản phẩm nông sản sạch của địa phương được người tiêu dùng biết đến nhiều hơn. Chúng tôi cũng sẽ tiến hành tổ chức hội chợ “Trưng bày sản phẩm đặc trưng” của địa phương để mở rộng liên kết, trao đổi hàng hóa với các địa phương trong tỉnh cũng như tìm kiếm thị trường mở rộng cung ứng sản phẩm đi các tỉnh, thành phố trong cả nước”.

 

Với 14 gian hàng tại các xã, thị trấn, huyện Hải Lăng là địa phương tổ chức gian hàng đặc sản địa phương một cách bài bản và định hướng phát triển lâu dài nhằm tiến tới hỗ trợ tích cực cho chương trình mỗi xã một sản phẩm. Theo chị Nguyễn Thị Thanh Thiên Trang, quản lí gian hàng tại chợ thị trấn Hải Lăng, mong muốn của chị là về lâu dài có thể có sự trao đổi buôn bán các mặt hàng đặc sản của các địa phương khác trong tỉnh để làm phong phú thêm nguồn hàng, đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân địa phương. Đây cũng là một gợi mở hay để đặc sản các vùng, miền trong tỉnh có sự trao đổi, gắn kết nhằm kích cầu việc sản xuất của người dân cũng như mở rộng phạm vi giao lưu hàng hóa các địa phương trong tỉnh, đưa đặc sản Hải Lăng vươn ra thị trường bên ngoài.

 

Thanh Trúc

427 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 730
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 730
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77206248