|
Ngư dân Triệu Lăng sau chuyến ra khơi. Ảnh: M.Đ
|
Những năm qua, nhờ chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương cùng sự nỗ lực của người dân, nghề biển Triệu Lăng từng bước được khôi phục và phát triển. Hiện nay, toàn xã có 322 chiếc thuyền máy có công suất từ 9-24 CV và 16 thuyền không có động cơ, chủ yếu đánh bắt, khai thác hải sản gần bờ. Năm 2019, tổng sản lượng đánh bắt đạt 738,5 tấn, trong đó hải sản có giá trị cao như cá, mực, ghẹ, ốc đạt 296,3 tấn; các loại cá và ruốc 522,2 tấn. Tổng giá trị ước đạt trên 35.150 triệu đồng, giá trị thu nhập sau chi phí đạt 28.120 triệu đồng.
Anh Nguyễn Văn Hiền ở Thôn 6 cho hay, hướng phát triển kinh tế của người dân Triệu Lăng tự bao đời nay là tập trung đánh bắt hải sản để có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Vì thế, mọi người đều dồn hết tâm sức, đầu tư nguồn vốn nâng cấp tàu thuyền, ngư lưới cụ để hoạt động nghề biển mang lại hiệu quả… Gia đình anh Hiền cũng đã đầu tư 1 chiếc thuyền có công suất 9 CV, trị giá hơn 30 triệu đồng và phối hợp với 3 người khác mua sắm con thuyền có công suất 24 CV, trị giá 80 triệu đồng để đánh bắt gần bờ. Với kinh nghiệm, sự nỗ lực phát triển nghề đánh bắt hải sản, anh Hiền đã có nhiều chuyến đi biển thành công khi đánh bắt nhiều hải sản và được thương lái thu mua với giá cao. Ước tính bình quân hằng năm, nguồn thu từ đánh bắt hải sản của anh Hiền trên 120 triệu đồng.
Bên cạnh phát triển nghề đánh bắt, khai thác hải sản, xã Triệu Lăng còn chú trọng tập trung phát triển thế mạnh nuôi tôm trên cát. Theo những người nuôi tôm ở xã Triệu Lăng, nghề nuôi tôm phát triển mạnh từ năm 2010 cho đến 2015, và gặp rất nhiều khó khăn từ sự cố môi trường biển năm 2016. Bắt đầu từ năm 2017, nghề nuôi tôm dần đi vào ổn định và phát triển mạnh. Nhiều người nuôi tôm có nhiều vụ mùa bội thu. Nổi bật là trong năm 2019, tổng diện tích nuôi tôm toàn xã trên 60 ha; sản lượng thu hoạch 650,5 tấn; giá trị thu nhập sau chi phí 30.120 triệu đồng, giải quyết việc làm cho trên 300 lao động địa phương.
Ông Nguyễn Xuân Thiên ở Thôn 6, một người nuôi tôm giỏi cho biết, có rất nhiều yếu tố quan trọng quyết định đến thành, bại trong việc nuôi tôm trên cát, trong đó phải kể đến đầu tiên là yếu tố môi trường, kinh nghiệm và sự may mắn. Hơn 10 năm nuôi tôm trên cát, ông Thiên có nhiều vụ tôm thắng lợi, như vụ nuôi tôm năm 2019, ông thả hơn 50 vạn con tôm giống trên diện tích 3.500 m2 ; thu hoạch được 12 tấn; sau khi trừ chi phí, lãi ròng hơn 900 triệu đồng. Bằng thành công của mình, ông Thiên thường xuyên hỗ trợ, giúp đỡ cho những người nuôi tôm ở địa phương về nguồn vốn, kinh nghiệm, khoa học kỹ thuật… để nghề nuôi tôm vùng biển phát triển, mang tính bền vững cao.
Với thế mạnh vùng cát, xã Triệu Lăng đẩy mạnh tuyên truyền, động viên và khuyến khích người dân chuyển đổi sinh kế, xây dựng các mô hình kinh tế mới và nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả. Trên cơ sở đó, UBND xã Triệu Lăng đã tập trung chỉ đạo sản xuất nông nghiệp theo đúng lịch thời vụ và cơ cấu giống cây trồng, triển khai tốt các phương án phòng chống hạn, nhiễm mặn. Tổng diện tích gieo trồng hằng năm đạt 62,5 ha, với các loại cây như khoai lang, lạc, sắn, hoa màu… Tổng giá trị ngành trồng trọt đạt 920 triệu đồng, giá trị thu nhập sau chi phí đạt 736 triệu đồng (năm 2019). Về lâm nghiệp, hiện nay toàn xã có trên 350 ha rừng.
Năm 2019, khai thác trên 1.200 m3 gỗ các loại; trồng mới khoảng 25.000 cây phân tán. Tổng giá trị ngành lâm nghiệp ước đạt 720 triệu đồng, giá trị thu nhập sau chi phí 612 triệu đồng. Thế mạnh ngành chăn nuôi của Triệu Lăng đã phát huy hiệu quả. Nhằm hỗ trợ cho người dân nghèo thuận lợi trong phát triển chăn nuôi, xã đã triển khai mô hình nuôi vịt biển cho 3 hộ dân, mỗi hộ 300 con, với kinh phí hỗ trợ 60 triệu đồng; hỗ trợ bò sinh sản cho 17 hộ nghèo và 4 hộ cận nghèo theo chương trình giảm nghèo bền vững với kinh phí hỗ trợ 300 triệu đồng. Hiện nay, toàn xã có đàn bò 375 con, đàn lợn 297 con, đàn gia cầm trên 13.500 con. Tổng giá trị ngành chăn nuôi đạt 3.650 triệu đồng, giá trị thu nhập sau chi phí đạt 2.370 triệu đồng.
Đi trên các con đường ở Triệu Lăng, chúng tôi cảm nhận nhiều sự đổi thay và phát triển của miền quê cát trắng. Đó là sự phát triển mạnh mẽ và hiệu quả các ngành nghề như xây dựng, mộc dân dụng, chế biến…, giải quyết việc làm cho trên 500 lao động địa phương. Hoạt động thương mại-dịch vụ ngày càng phát triển. Trong đó đã khôi phục và phát triển bãi tắm Nhật Tân, bố trí hợp lý 20 lô quầy kinh doanh dịch vụ. Năm 2019, tổng giá trị công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp, thương mại- dịch vụ đạt 65.500 triệu đồng, giá trị thu nhập sau chi phí đạt 22.480 triệu đồng. Chủ tịch UBND xã Triệu Lăng Trần Mai Son khẳng định, từ sự đoàn kết, sáng tạo và quyết tâm hành động của Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân đã làm cho nền kinh tế của xã phát triển vững chắc, đạt được nhiều kết quả đáng tự hào, làm thay đổi bộ mặt địa phương; từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống Nhân dân, với thu nhập bình quân đầu người đạt 41,3 triệu đồng/năm, tỉ lệ hộ nghèo còn 6,07% (năm 2019).
Từ những kết quả đó, xã Triệu Lăng tiếp tục xây dựng, triển khai thêm nhiều kế hoạch, giải pháp nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh về phát triển kinh tế gắn với các lĩnh vực khác, đồng thời kêu gọi toàn thể cán bộ, Nhân dân đoàn kết, nêu cao tinh thần thi đua yêu nước, tập trung trí tuệ, tích cực và sáng tạo trong lao động, sản xuất, kinh doanh, xây dựng quê hương ngày càng văn minh, giàu mạnh.
Minh Đức