Sống mãi kí ức Trường Sơn 

(QT) - Chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm nhưng những kí ức hào hùng về một thời chiến đấu oanh liệt “đánh địch mà đi, mở đường mà tiến” của mỗi người lính trên tuyến đường Trường Sơn vẫn còn vẹn nguyên trong tâm khảm. Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, con đường mang tên đường Trường Sơn, đường mòn Hồ Chí Minh gắn với biết bao chiến công hiển hách; mỗi cung đường, mỗi ngọn núi, trạm giao liên, lối vượt ngầm, vượt suối…là một phần kí ức của những người lính Trường Sơn năm xưa, không thể nguôi quên…

Tri ân đồng đội tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn. Ảnh: HT

 

Thực hiện Nghị quyết của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 15 (khóa II) mở rộng, ngày 19/5/1959, Thường trực Tổng Quân ủy Trung ương chính thức giao nhiệm vụ cho “Đoàn công tác quân sự đặc biệt” mở đường Trường Sơn, chi viện cho chiến trường miền Nam. Biên chế ban đầu của đoàn là 500 cán bộ, chiến sĩ, lấy phiên hiệu là Đoàn 559 do Thượng tá Võ Bẩm làm đoàn trưởng. Tính đến ngày 30/4/1975, hệ thống đường Hồ Chí Minh có tổng chiều dài gần 20.000 km, xuyên suốt 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia (đi qua 11 tỉnh của Việt Nam, 7 tỉnh của Lào và 4 tỉnh Campuchia) tạo nên thế trận cầu đường liên hoàn, vững chắc vươn tới các chiến trường miền Nam, trở thành con đường vận tải chiến lược đúng như yêu cầu của Trung ương Đảng, góp phần quan trọng làm nên chiến thắng vang dội, kết thúc bằng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Để giành thắng lợi vẻ vang đó, hơn 2 vạn cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong đã hi sinh, gần 3 vạn người bị thương, hàng nghìn người bị ảnh hưởng nặng nề bởi chất độc da cam của địch. Biết bao bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, đồng bào các dân tộc đã hiến dâng cả tuổi thanh xuân của mình để giữ vững mạch máu giao thông trên con đường huyền thoại này.

 

Là cựu chiến binh của Đoàn 559, Đại tá Lê Kim Thơ luôn nhớ về những ngày tháng nơi chiến trường, đó là một phần kí ức không thể nào quên. Ông kể, tháng 5/1968, ông là Đại đội trưởng Đại đội 9, E251 có nhiệm vụ chỉ huy đại đội mở đường, cầu, bảo đảm giao thông, san lấp hố bom, rà phá bom mìn, đánh quân đổ bộ đường không của địch, bảo vệ hành lang tuyến đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh. Năm 1969, địch tăng cường đánh bom từ trường và bom B52 cả ngày và đêm, đại đội của ông Thơ, nhiều chiến sĩ đã anh dũng hi sinh. Để đảm bảo an toàn cho xe qua, tránh bị địch phát hiện, ông đã ra hiệu cho đoàn xe tắt hết đèn gầm, xung phong mặc áo trắng, đứng cách mũi xe 5 m để dẫn đường. Màu áo trắng anh dũng, quả cảm của chiến sĩ Trường Sơn như một ngọn đuốc sáng soi đường giúp hàng trăm chuyến xe vượt qua đèo dốc hiểm trở an toàn để chi viện cho chiến trường miền Nam. Có lần, ở trọng điểm Dốc Thơm, đường 29C (Lào), lúc đó địch ném bom nổ chậm rất nhiều để ngăn tuyến vận tải. Trong lúc ta chưa có xe phóng từ để phá bom nổ chậm, mà chỉ phá theo cách thủ công cực kì nguy hiểm. Người lính công binh dùng chiếc thuổng gỗ và cứ thế đào tìm cho được rốn của quả bom để đặt bộc phá vào phá bom. Trong quá trình đào, bom có thể phát nổ bất cứ lúc nào. Thế nhưng, hàng vạn người lính công binh ngày đêm đối đầu với cái chết mà họ không hề run tay hay chùn bước. Rất nhiều người lính đã hi sinh anh dũng trước khi tìm được đến rốn quả bom nổ chậm. Trong những lần làm nhiệm vụ dẫn đường ấy, đã không ít lần ông Thơ bị thương bởi sức ép của mưa bom, bão đạn. Thế nhưng, vượt qua mọi hi sinh, gian khổ, ông luôn sát cánh cùng các đồng đội liên tục ngày đêm bảo đảm cho tuyến đường Trường Sơn thông suốt. “Đối mặt với hiểm nguy, gian khó, chúng tôi vẫn kiên trì bám trụ trên đường, “địch phá một thì ta làm mười”. Chúng tôi động viên nhau bền gan vững chí vì đồng đội, vì quê hương và miền Nam ruột thịt”, Đại tá Lê Kim Thơ nói.

 

Thương binh Nguyễn Huy Lệ, một trong những người lính kĩ thuật, xe máy của Đoàn 559, người có hơn 10 năm tham gia chiến đấu trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại kể về những năm tháng “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Những câu chuyện ấy, chẳng khác gì một cuốn phim đầy bi tráng: “Để tránh bom, những lái xe chuyên chở vũ khí trong các đơn vị vận tải thường chỉ chạy khi trời tối, cao điểm là lúc gần sáng. Đó là thời điểm các máy bay ném bom của Mỹ trở về căn cứ. Chúng tôi, những người lính kĩ thuật luôn sẵn sàng túc trực trên tuyến đường Trường Sơn để kịp thời sửa chữa những chiếc xe bị hỏng hóc trong quá trình vận chuyển lương thực, vũ khí vào chi viện chiến trường miền Nam. Trong một lần đang nằm dưới gầm xe để làm nhiệm vụ, địch bất ngờ thả bom B52 cày nát đoạn đường 128B, thuộc địa phận tỉnh Khăm Muộn (Lào). Tôi là người duy nhất còn sống sót trong trận chiến ngày hôm ấy, còn rất nhiều đồng đội của tôi thì đã mãi mãi đã nằm lại trên con đường Trường Sơn huyền thoại…”. Chiến tranh đã lùi xa, trở về với đời thường nhưng người cựu binh ngoài 70 tuổi đã vào sinh ra tử nơi trận mạc vẫn bùi ngùi. Ông luôn tâm niệm, mỗi việc mình làm hôm nay là sự bù đắp cho những người đã ngã xuống hôm qua. Câu chuyện của ông dường như không bao giờ hết với những hồi ức về chiến tranh, về con đường Trường Sơn không bao giờ vơi cạn.

 

Ước tính, trong suốt 16 năm ngăn chặn tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn, Mỹ đã huy động khoảng 733.000 lượt máy bay các loại, thực hiện khoảng 152.000 trận oanh kích; trút xuống tuyến đường Trường Sơn gần 4 triệu tấn bom đạn nhằm phá nát mạng lưới giao thông quân sự chiến lược này. Nhưng dù hiểm nguy gian khó, các lực lượng công binh hỏa tuyến mà chủ lực là những người lính Binh đoàn Trường Sơn vẫn kiên cường bám trụ, giành giật từng mét đường với quyết tâm: “Máu có thể đổ, nhưng đường không thể tắc”. Chính vì thế, giờ đây trên từng cung đường trên đường Trường Sơn đều gắn liền với biết bao huyền thoại về những người lính anh hùng, địa danh nào cũng là mảnh đất thiêng liêng.

 

Hà Trang

639 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 641
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 641
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77162365