Theo thống kê của Sở GD&ĐT, sau bão số 10, toàn tỉnh có 37 trường học bị tốc mái, 1 cổng trường bị sập, nhiều cây xanh gãy đổ... Ước tính thiệt hại khoảng 3,4 tỉ đồng.
Được biết, trước khi bão số 10 đổ bộ vào đất liền, thực hiện sự chỉ đạo của cấp trên, lãnh đạo các trường đã nhanh chóng triển khai phương án phòng chống bão, bảo vệ tài sản như: Chằng chống, gia cố các dãy phòng học; di chuyển trang thiết bị dạy và học đến nơi an toàn; chặt tỉa cây cối… Cùng với đó, lãnh đạo các trường nghiêm túc thực hiện chế độ ứng trực và báo cáo. Việc triển khai tốt công tác ứng phó với bão đã góp phần làm hạn chế những thiệt hại do thiên tai gây ra.
Đồng chí Lê Thị Hương, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết, ngay sau bão, lãnh đạo Sở GD&ĐT đã yêu cầu các trường học trên địa bàn nhanh chóng khắc phục hậu quả thiên tai, sớm ổn định việc dạy và học. Ngay trong ngày 16 – 17/9/2017, lãnh đạo các trường đã huy động toàn thể giáo viên tham gia sửa chữa trường, lớp bị hư hại; dọn dẹp vệ sinh; di chuyển đồ dùng, trang thiết bị dạy và học về vị trí cũ…
Đối với các trường bị thiệt hại nặng do bão, lãnh đạo Sở, các Phòng GD&ĐT đề nghị chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng hỗ trợ khắc phục hậu quả của bão, giúp học sinh có thể quay lại trường vào ngày đầu tuần. Để nắm bắt cụ thể tình hình, lãnh đạo Sở GD&ĐT đã trực tiếp đến thăm nhiều ngôi trường trên địa bàn, qua đó kịp thời động viên tinh thần đội ngũ giáo viên.
Với những nỗ lực ấy, đến sáng 18/9/2017, việc dạy và học tại các trường trên địa bàn, kể cả những trường học bị thiệt hại nặng do bão đã ổn định trở lại.
Từ đây, hơn 162.000 học sinh trong toàn tỉnh của 494 cơ sở giáo dục, 6.083 lớp học ở các bậc học mầm non, tiểu học, THCS, THPT và các trung tâm lại tiếp tục chuyên tâm đến trường.
Q.H