Sáng kiến đem lại lợi ích cho cộng đồng 

(QTO) - Hưởng ứng phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, anh Lê Thanh Vũ, đoàn viên Công đoàn cơ sở Bệnh viện Chuyên khoa Lao và Bệnh phổi tỉnh đã học hỏi, nghiên cứu, cho ra đời sáng kiến hữu ích phục vụ công tác phòng chống bệnh lao tại cộng đồng, được cấp trên và đồng nghiệp đánh giá cao.

Anh Lê Thanh Vũ với sáng kiến buồng tối trên thùng xe ô tô bán tải. Ảnh: NVCC

 

Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Y tế Đà Nẵng rồi gắn bó với Bệnh viện Chuyên khoa Lao và Bệnh phổi tỉnh ngay từ những ngày đầu mới thành lập, anh Lê Thanh Vũ luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Ngoài áp dụng kiến thức chuyên môn vào công việc, sáng kiến “Giải pháp cải tiến kỹ thuật đảm bảo vận chuyển máy X- Quang di động và buồng tối trên thùng xe ô tô bán tải tại cộng đồng” đã nhận được giải Ba Cuộc thi “Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Quảng Trị” và hiện đang được áp dụng hiệu quả tại Khoa Xét nghiệm - Chẩn đoán hình ảnh của Bệnh viện Chuyên khoa Lao và Bệnh phổi tỉnh.

 

Đối với bệnh lao, việc phát hiện ra người bệnh trong cộng đồng đóng vai trò rất quan trọng. Hệ thống phòng chống lao ở Việt Nam gồm 4 tuyến là xã, huyện, tỉnh và trung ương. Hoạt động phát hiện bệnh lao được thực hiện bởi 2 biện pháp là chủ động và thụ động. Tại Quảng Trị, thời gian trước, việc khám, phát hiện bệnh lao chủ yếu dựa vào sàng lọc đối tượng nghi ngờ và làm xét nghiệm đàm trực tiếp. Tuy nhiên, kết quả đem lại không cao do một số nguyên nhân như nhiều trường hợp bị bỏ sót do chất lượng đàm lấy chưa tốt; sai sót về kỹ thuật nhuộm soi; nhận thức của người dân chưa cao, còn hiện tượng giấu bệnh… Từ năm 2014, sau khi đi vào hoạt động, Bệnh viện Chuyên khoa Lao và Bệnh phổi tỉnh đã áp dụng song song cả 2 phương pháp chủ động và thụ động để phát hiện bệnh lao. Trong đó, đối với phương pháp phát hiện chủ động, bệnh viện đã tiến hành vừa xét nghiệm đàm vừa đưa máy X- Quang di động về tại cơ sở để chụp X- Quang phổi, kết quả ghi nhận bước đầu rất khả quan. Tuy nhiên, quá trình thực hiện, việc đưa máy X- Quang về cơ sở đã gặp một số khó khăn như phương tiện, nhân lực vận chuyển trang thiết bị, việc đảm bảo kỹ thuật phòng buồng tối…

 

Chia sẻ với chúng tôi, anh Vũ cho hay: “Trước đây, để có buồng tối phục vụ cho việc khám sàng lọc bệnh lao ở cơ sở, chúng tôi phải huy động nhân lực, tận dụng cơ sở vật chất tại các trạm y tế để dựng buồng tối. Việc thực hiện mất nhiều thời gian, công sức và nhiều nơi chất lượng không đảm bảo. Mặt khác, khi di chuyển thiết bị đến các vùng sâu, vùng xa cũng gặp nhiều khó khăn do thời tiết, địa hình. Trong lúc đó, yêu cầu khám sàng lọc bệnh lao phải thực hiện ở tất cả 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh, kể cả những bản làng xa nhất. Là một kỹ thuật viên trực tiếp tham gia sàng lọc bệnh lao tại cơ sở, trước những khó khăn gặp phải, tôi cùng đồng nghiệp luôn trăn trở để tìm ra giải pháp hợp lý nhằm tiết kiệm thời gian thực hiện, phù hợp với mọi địa hình (nhất là miền núi) và đem lại kết quả chính xác nhất trong việc phát hiện bệnh. Xuất phát từ ý tưởng đó, từ tháng 5/2017, tôi bắt đầu nghiên cứu về cải tiến kỹ thuật đảm bảo vận chuyển máy X- Quang di động và buồng tối trên thùng xe ô tô bán tải”.

 

Thực tế cho thấy, sau khi đưa vào sử dụng giải pháp mới, những khó khăn trên đã từng bước được giải quyết. Việc thực hiện khám, sàng lọc bệnh lao tại cơ sở được thực hiện thuận lợi hơn bởi buồng tối di động trên xe bán tải có thể đến được với những bản làng xa nhất, hẻo lánh nhất để xét nghiệm, sàng lọc bệnh cho người dân. Đồng thời, tận dụng thùng xe ô tô bán tải để làm buồng tối rửa phim cũng đáp ứng tiêu chí buồng tối đảm bảo chất lượng phim tốt. Khâu vận chuyển được thực hiện thuận lợi hơn, an toàn trong mọi điều kiện thời tiết và tiết kiệm chi phí. Buồng tối có thể đặt bất cứ địa điểm nào nên giúp cho các nhân viên X- Quang thuận tiện trong thực hiện các kỹ thuật nhanh chóng, rút ngắn thời gian làm việc, tăng chất lượng phim, tạo điều kiện cho bác sĩ chẩn đoán đúng bệnh. Sáng kiến đã góp phần làm tăng chất lượng khám sàng lọc bệnh lao tại cơ sở, giúp sớm phát hiện bệnh và điều trị kịp thời, hạn chế nguồn lây lan bệnh lao ở cộng đồng.

 

“Với công việc, anh Lê Thanh Vũ luôn tận tụy, hết lòng với công tác chăm sóc sức khỏe người bệnh. Bên cạnh công tác chuyên môn, anh Vũ luôn thể hiện sự năng nổ, nhiệt tình trong các hoạt động của công đoàn, có tinh thần trách nhiệm trong xây dựng đơn vị, công đoàn cơ sở vững mạnh, thường xuyên tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao do đơn vị và ngành tổ chức”, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Bệnh viện Chuyên khoa Lao và Bệnh phổi tỉnh Võ Thị Huyền cho biết.

 

Thanh Lê

415 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 788
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 788
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87046136