Năm 2016-2017, nguồn vốn ngân sách phân bổ thực hiện Nghị quyết 30a trên địa bàn huyện Đakrông hơn 72 tỉ đồng; trong đó vốn đầu tư phát triển hơn 46 tỉ đồng, vốn hỗ trợ phát trển sản xuất hơn 22 tỉ đồng…
Trong 2 năm 2015-2016, tổng nguồn vốn Viettel hỗ trợ hơn 23 tỉ đồng; giai đoạn 2017-2018 hỗ trợ hơn 17 tỉ đồng cho huyện Đakrông thực hiên chương trình giảm nghèo theo Nghị quyết 30a.
Từ các nguồn vốn trên đã thực hiện đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, thực hiện các chính sách khoán chăm sóc, bảo vệ rừng, an sinh xã hội, hỗ trợ giáo dục và đào tạo, hỗ trợ tín dụng ưu đãi, dạy nghề gắn với tạo việc làm, xây dựng nhà ở hộ nghèo và các chính sách khác, góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho nhân dân.
Thực hiện mục tiêu giảm nghèo, trong năm 2016, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất hỗ trợ cho 767 hộ hưởng lợi, xây dựng 4 mô hình phát triển sản xuất trồng nấm sò, trồng cây mít Thái, nuôi lợn bản, trồng cây bí đỏ cho 21 hộ tham gia; năm 2017 nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo đang thẩm định triển khai thực hiện.
Tuy nhiên, các mô hình sản xuất giảm nghèo khó nhân rộng trên địa bàn, hiệu quả mang lại chưa cao. Khó khăn lớn nhất hiện nay là tổng nguồn vốn đầu tư cho huyện nghèo quá thấp, không thể thực hiện được các mục tiêu nhiệm vụ giảm nghèo đến năm 2020 theo Nghị quyết 30a đề ra.
Huyện Đakrông đề nghị UBND tỉnh quan tâm, hỗ trợ thêm cho huyện từ ngân sách tỉnh quản lý, từ nguồn vốn ODA, kêu gọi sự hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ, các tập đoàn kinh tế để tăng cường nguồn lực cho huyện thực hiện các mục tiêu giảm nghèo 2016-2020.
Có định hướng chỉ đạo về việc bố trí, sắp xếp đội ngũ trí thức trẻ tình nguyện sau khi kết thúc dự án, đề án tại huyện nghèo để các trí thức trẻ yên tâm công tác tại địa phương.
Tại buổi làm việc, đại diện các sở, ban, ngành liên quan cho rằng nguồn vốn đầu tư thực hiện chương trình rất hạn hẹp, khó hoàn thành mục tiêu của theo Nghị quyết 30a của Chính phủ.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao và các mô hình giảm nghèo khó nhân rộng thì cần phải rà soát lại tính hiệu quả đầu tư, cam kết các hộ dân sử dụng đồng vốn chương trình 30a để thoát nghèo bền vững, không thể chấp nhận hộ nghèo cứ nghèo mãi sau khi đã được hỗ trợ thoát nghèo.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Mai Thức đề nghị huyện Đakrông cần rà soát lại đầy đủ tỷ lệ giảm nghèo của từng xã, đánh giá hiệu quả giảm nghèo đạt được qua từng năm và giai đoạn theo mục tiêu chương trình giảm nghèo bền vững của Nghị quyết 30a.
Kiểm tra, đánh giá hiệu quả các chương trình, dự án đầu tư và hiệu quả đầu ra của tất cả các chương trình giảm nghèo. Đồng chí cho rằng, trong điều kiện nguồn lực đầu tư rất hạn hẹp, không đảm bảo nhu cầu thực hiện các mục tiêu của Nghị quyết 30a, nhưng hiệu quả đầu tư phải được nhìn thấy, nhất là các chỉ tiêu về giảm nghèo.
Về chính sách cán bộ, giao Sở Nội vụ phối hợp với huyện để xây dựng kế hoạch bố trí cán bộ sau chương trình 30a phù hợp. Đối với nguồn hỗ trợ giảm nghèo của Tập đoàn Viettel, đề nghị huyện phối hợp với Viettel Quảng Trị họp thống nhất phương án sử dụng nguồn vốn hỗ trợ, cách thức triển khai thực hiện sao cho hiệu quả mang lại cao nhất. Phải có cam kết giữa các xã với hộ nghèo sử dụng nguồn lực đầu tư hiệu quả, không để hộ nghèo cứ nghèo mãi.
NTH