Xung quanh vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNN) Nguyễn Xuân Cường đã có cuộc trả lời báo chí.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường (Ảnh: BT)
Phóng viên (PV): Xin Bộ trưởng cho biết về tình hình mới hiện nay đang đặt ra những thách thức tới ngành bảo vệ thực vật (BVTV)?
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Những năm qua bằng những nhóm giải pháp từ chính sách đến tổ chức thực hiện, chúng ta đã đưa nông nghiệp Việt Nam phát triển từ chỗ đáp ứng được nhu cầu thực phẩm của 93 triệu dân đến dành một phần xuất khẩu lớn. Chúng ta đã kết thúc giai đoạn sản xuất tự cung, tự cấp, chuyển sang một giai đoạn mới là sản xuất hàng hóa cấp độ cao để tham gia chuỗi thực phẩm toàn cầu. Do đó, đòi hỏi các yêu cầu khắt khe hơn, chất lượng hơn, chuẩn mực hơn. Cùng với đó, thị trường 93 triệu dân của chúng ta cũng đòi hỏi yêu cầu cao hơn. Chính vì vậy, chúng ta cần có định hướng về công tác kiểm dịch, BVTV đáp ứng được những yêu cầu đó. Nếu không, chúng ta sẽ không thể đảm bảo chiến thắng trong yêu cầu hội nhập nói chung và trong đó có hội nhập về nông sản.
PV: Năm nay, chúng ta tiếp tục kỳ vọng về xuất khẩu nông sản hướng đến mốc 40 tỷ USD. Tuy nhiên, chúng ta vẫn đang có những lô hàng bị trả về và bị cảnh báo về dư lượng thuốc BVTV. Xin Bộ trưởng cho biết chúng ta cần có những biện pháp gì để ngăn chặn tình trạng này và thực sự khẳng định nông sản Việt Nam có chất lượng sạch?
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Phải khẳng định, trên bình diện chung, chúng ta đã có rất nhiều cố gắng. Do đó, nông sản Việt Nam sản xuất ra về cơ bản đáp ứng được yêu cầu không chỉ phục vụ cho thị trường trong nước mà còn cho xuất khẩu. Tuy nhiên, với nền nông nghiệp hiện nay vẫn dựa trên quy mô nhỏ lẻ, phân tán là chính, vì vậy, việc quản trị từng khâu, từng quy trình không thể đồng nhất 100%. Do đó, đối với nhóm 10 sản phẩm nông sản chủ lực quốc gia xuất khẩu trên 1 tỷ USD, vẫn còn một số lô hàng nông sản chưa đảm bảo chất lượng. Để giảm thiểu triệt để vấn đề này đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các bộ ngành.
Theo phương hướng tới đây, chúng ta sẽ đẩy mạnh tổ chức sản xuất theo chuỗi, lấy doanh nghiệp làm nòng cốt trên cơ sở liên kết chặt chẽ với Hợp tác xã kiểu mới, người sản xuất tham gia chuỗi phải có trách nhiệm. Ở đây, công tác quản lý nhà nước, sự phối hợp giữa người sản xuất và người thu mua chế biến, tổ chức thương mại thành một chuỗi khép kín.
Hiện nay trên toàn quốc, chúng ta đang đi theo lộ trình tích cực này. Năm 2017 vừa qua đã chứng minh được kết quả chung của chúng ta. Và 4 tháng đầu năm 2018, về tổng thể kết quả xuất khẩu nông sản Việt Nam tiếp tục có những bước tăng trưởng tích cực.
PV: Xin Bộ trưởng cho biết về công tác quản lý thuốc BVTV hiện nay cũng như tình trạng buôn lậu, hàng giả liên quan đến thuốc BTVT?
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Công tác BVTV cũng như vấn đề sử dụng thuốc BVTV là một trong những nhóm giải pháp quan trọng để chúng ta có được sản lượng nông sản. Tuy nhiên, nếu như quản lý thuốc BVTV không đúng sẽ có mặt trái. Đó là tạo ra nông sản không sạch, ảnh hưởng đến sức khỏe của đối tượng tham gia sản xuất, ảnh hưởng đến môi trường và làm suy giảm hệ sinh thái. Do đó, trách nhiệm của chúng ta hiện nay khi hướng về phục vụ nông sản sạch cho 93 triệu dân là phải hết sức coi trọng công tác BVTV.
Một là, công tác quản lý nhà nước về thuốc BVTV làm sao cho chặt chẽ. Vừa qua, chúng ta đã giảm được hơn 1.000 đầu sản phẩm thuốc BVTV, nhưng con số này cần phải giảm tiếp. Theo đó, cần phải giảm các nhóm thuốc gốc độc, đặc biệt sẽ phải tiếp tục rà soát giảm nhanh thuốc trừ cỏ vì thuốc này đang chiếm một tỷ lệ lớn trong cơ cấu 100.000 tấn sử dụng hàng năm. Hiện, Bộ NN&PTNT đã đưa ra giảm được một số nhóm trong khu vực này. Thứ hai, trong nhóm thuốc trừ sâu trừ bệnh, chúng ta phải giảm. Những nhóm mà tính độc hại cao, những nhóm sản phẩm ra đời đến giờ phút này lâu năm rồi, không được tiên tiến, không được thân thiện với môi trường cần phải giảm tiếp. Có như vậy, chúng ta mới có một chủ trương kiểm soát chung.
Bên cạnh đó, chúng ta phải tổ chức kiểm soát thật chặt chẽ thuốc BVTV tự do lưu hành, tự do nhập vào Việt Nam. Khâu này cơ quan chuyên ngành phải phối hợp cùng với cơ quan chống buôn lậu hàng giả, phối hợp chặt chẽ với các địa phương ở các cửa khẩu. Vì hiện nay thuốc BVTV của Việt Nam chủ yếu phải nhập khẩu, do vậy, nếu chúng ta làm tốt công tác này sẽ hạn chế những thuốc ngoài luồng, hạn chế những thuốc gốc độc vào địa bàn.
Đồng thời, chúng ta cần phải tổ chức truyền thông, thông tin thật tốt để nâng cao ý thức trách nhiệm của người dùng thuốc BVTV trong quá trình tổ chức sản xuất. Cần tổ chức truyền thông thật tốt các chuỗi sản xuất tiên tiến của chúng ta. Qua đó, nâng cao ý thức trách nhiệm của người tổ chức sản xuất để trên cơ sở đó chúng ta tham gia góp phần đảm bảo nông sản sạch, đảm bảo vệ môi trường sinh thái.
PV: Xin cảm ơn Bộ trưởng./.
BT (ghi)