|
Tuyên truyền, hướng dẫn người dân phòng, chống bệnh bạch hầu. Ảnh: Thanh Hải
|
Chúng tôi có mặt tại thôn Bãi Hà Mới, xã Vĩnh Hà, huyện Vĩnh Linh, nơi phát hiện bé gái 9 tuổi đầu tiên mắc bệnh bạch hầu trên địa bàn tỉnh. Những ngày này, địa phương đang tích cực, chủ động tìm mọi giải pháp để ngăn chặn dịch lây lan trong cộng đồng. Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hà Võ Văn Sanh cho biết: “Chúng tôi đã dùng loa truyền thanh, loa cầm tay, thông qua các cuộc họp để tuyên truyền cho người dân hiểu được tính cấp bách của dịch bệnh bạch hầu xảy ra trên địa bàn xã. Đồng thời thành lập 2 tổ chốt kiểm soát gồm 26 người, luân phiên trực 24/24 giờ để kiểm tra, đo thân nhiệt, thực hiện khai báo y tế đối với tất cả những người ra vào địa bàn nhằm phát hiện sớm, cách ly điều trị kịp thời tránh lây lan trong cộng đồng để kiểm soát dịch bệnh được tốt hơn”.
Theo các chuyên gia y tế, bệnh bạch hầu là bệnh truyền nhiễm cấp tính, nhiễm trùng - nhiễm độc do trực khuẩn bạch hầu Corynebacterium Diphtheriae gây nên. Đường lây chủ yếu là đường hô hấp do tiếp xúc trực tiếp với trực khuẩn bạch hầu có trong dịch tiết từ mũi họng của bệnh nhân. Tổn thương của bạch hầu là viêm, loét ở vùng mũi, họng, thanh quản với những màng giả mạc kèm theo biểu hiện nhiễm độc nặng, tổn thương khắp các cơ quan, nhất là hệ thần kinh trung ương, tim mạch, thận và thượng thận do ngoại độc tố (là độc tố do vi khuẩn tiết ra môi trường) theo hệ tuần hoàn và bạch huyết đi khắp cơ thể gây ra. Tất cả mọi đối tượng, lứa tuổi, giới tính đều có thể mắc bệnh bạch hầu. Lứa tuổi dễ mắc bệnh là trẻ em dưới 15 tuổi, tỉ lệ nhiễm khoảng 15 - 20% ở trẻ chưa có miễn dịch. Trước đây bệnh bạch hầu lưu hành khá phổ biến ở hầu hết các địa phương trên cả nước. Từ khi vắc xin phòng bạch hầu được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng, bệnh đã được khống chế và chỉ ghi nhận một vài trường hợp lẻ tẻ do không được tiêm đầy đủ các mũi vắc xin phòng bệnh, thường xảy ra ở các khu vực vùng sâu, vùng xa, nơi có tỉ lệ tiêm chủng thấp. Những năm gần đây, dịch bệnh bạch hầu đã xuất hiện trở lại ở một số địa phương tại khu vực miền Trung và đặc biệt hiện nay dịch bạch hầu đang diễn biến phức tạp tại các tỉnh Tây Nguyên (Gia Lai, Đăk Lăk, Kon Tum, Đăk Nông), tập trung ở những vùng có tỉ lệ tiêm chủng thấp (48- 52%). Các trường hợp mắc đều chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu đủ mũi theo quy định.
Tại Quảng Trị, trong những năm qua, tỉ lệ tiêm chủng đầy đủ của trẻ em đạt trên 95% và vẫn còn tỉ lệ trẻ chưa được tiêm đầy đủ các mũi vắc xin có thành phần bạch hầu. Trong khi đó, Vĩnh Hà là một xã vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế- xã hội khó khăn, nơi tập trung sinh sống của đồng bào dân tộc thiểu số; phong tục tập quán của người dân phần lớn làm việc, sinh hoạt cùng nhau, các biện pháp vệ sinh phòng bệnh còn hạn chế, nên nguy cơ lây nhiễm bệnh rất cao. Ngay sau khi phát hiện ca bệnh đầu tiên, ngành y tế đã khẩn trương triển khai các biện pháp cách ly, điều trị, khử khuẩn môi trường và vệ sinh dịch tễ phòng bệnh kịp thời, hiệu quả. Nhận định đây là ca bệnh bạch hầu được chẩn đoán xác định bằng kỹ thuật RT- PCR (Viện Pastuer Nha Trang thực hiện), được phát hiện và đến khám, điều trị tại Trung tâm Y tế Vĩnh Linh.
Bác sĩ Đặng Hân, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật cho biết: “Ngay sau khi có ca bệnh, chúng tôi đã triển khai đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch. Giám sát phát hiện ca nghi bệnh, ca bệnh bạch hầu tổ chức thu dung, cách ly và điều trị triệt để. Tiếp tục điều tra các trường hợp tiếp xúc gần lập danh sách và lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm, liệu trình kháng sinh dự phòng. Ngoài việc dự trì đầy đủ các cơ số thuốc, hóa chất và vật tư y tế, chúng tôi triển khai ngay công tác tiêm chủng cho các trẻ trong độ tuổi, tổ chức tiêm vét và tiêm nhắc lại. Bên cạnh đó, tăng cường công tác truyền thông về các nội dung phòng bệnh, nhằm nâng cao trách nhiệm của các địa phương, cộng đồng và nhận thức của người dân để tích cực tham gia công tác phòng, chống dịch bệnh bạch hầu. Dùng kháng sinh dự phòng cho tất cả các đối tượng tiếp xúc gần với bệnh nhân theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Triển khai các biện pháp tiêu độc khử trùng, vệ sinh phòng bệnh tại cộng đồng…”.
Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh bạch hầu, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của ngành y tế, đòi hỏi chính quyền địa phương, mỗi người dân cần nâng cao nhận thức, tuân thủ những khuyến cáo của ngành y tế để chủ động phòng, chống dịch bệnh hiệu quả. Bác sĩ Đặng Hân, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật cho biết, cách phòng bệnh tốt nhất là đưa trẻ tiêm vắc xin đủ liều và đúng lịch. Để chủ động phòng chống bệnh bạch hầu, người dân cần thực hiện tốt các biện pháp như: Đưa trẻ đi tiêm chủng tiêm vắc xin phối hợp phòng bệnh bạch hầu DPT-VGB-Hib (SII),… đủ mũi tiêm và đúng lịch trong tiêm chủng thường xuyên và trong chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, che miệng khi ho hoặc hắt hơi, giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hằng ngày, hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng. Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.
Phan Thanh Hải