Phát huy hiệu quả hệ thống loa truyền thanh cơ sở ở Hướng Hóa 

(QTO) - Huyện Hướng Hóa có 21 xã, thị trấn, trong đó 14 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Do đời sống còn nhiều khó khăn nên điều kiện tiếp cận thông tin xã hội của người dân nơi đây có phần hạn chế. Trước tình hình đó, trong những năm qua, huyện đã tập trung các nguồn lực để đầu tư hỗ trợ người dân tiếp cận thông tin, nhất là đối với các xã vùng bản, trong đó hệ thống loa truyền thanh được xem là một trong những ưu tiên hàng đầu.

Cán bộ đài truyền thanh cơ sở ở Hướng Hóa tiếp sóng chương trình phát thanh tại địa phương. Ảnh: KKS

 

Ba Tầng là xã xa nhất tuyến phía Nam của Hướng Hóa, cách trung tâm huyện 50 km. Trước đây, người dân của xã tiếp cận thông tin qua trạm phát lại truyền hình của huyện đặt tại trung tâm xã, nhưng năm 2018 trạm phát lại này ngừng hoạt động nên người dân không thể nghe đài truyền thanh mà chủ yếu xem ti vi bằng các loại chảo tự sắm. Năm 2019, từ nguồn tài trợ xã khó khăn của Tập đoàn Vingroup, Ba Tầng được đầu tư hệ thống truyền thanh không dây với tổng kinh phí hơn 200 triệu đồng. 13 cụm loa đã được bố trí khắp 7 thôn bản của Ba Tầng, hoạt động thông suốt đã tạo điều kiện thuận lợi cho dân bản nơi đây được nghe đài thường xuyên. Với đặc thù miền núi, địa bàn rộng và khá cách trở thì thông qua hệ thống truyền thanh, người dân vùng khó được tiếp cận thông tin một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất. Qua đó, nâng cao đáng kể ý thức của người dân về chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, từ đó tích cực tham gia các hoạt động, phong trào thi đua như xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống văn hóa ở khu dân cư, phòng, chống tội phạm, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững... Đặc biệt, trong thời gian tăng cường tuyên truyền phòng, chống COVID-19, hệ thống truyền thanh cơ sở trở nên vô cùng quan trọng, giúp người dân tiếp cận thông tin hằng ngày, hằng giờ, chủ động phòng, chống dịch.

 

Tại các xã, thị trấn có hệ thống đài truyền thanh, công suất hoạt động bình quân 6 giờ/ngày, chủ yếu là tiếp sóng chương trình của Đài Tiếng nói Việt Nam. Ngoài ra, địa phương còn chủ động phát một số tin tức, thông báo quan trọng của địa phương. Có thể nói, hiệu quả tiếp cận thông tin của người dân qua hệ thống truyền thanh là rất quan trọng. Qua đó, nhiều nội dung thông tin, tuyên truyền về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến từng thôn, bản thuận lợi hơn; người dân tiếp nhận được các thông tin đa dạng, phong phú. Từ đó, góp phần nâng cao dân trí, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội ở vùng khó. Tuy nhiên thực tế cho thấy, với đặc thù của một huyện miền núi, địa bàn khá rộng, có gần 50% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số thì hệ thống truyền thanh hiện nay ở Hướng Hóa chưa đáp ứng được nhu cầu thông tin cho người dân.

 

Toàn huyện có 21 xã, thị trấn thì mới chỉ có 9 xã, thị trấn có hệ thống truyền thanh cấp xã, trong đó 2 trạm truyền thanh của 2 xã đã hư hỏng, không hoạt động. Hệ thống cụm loa phát thanh về thôn bản của mỗi xã, thị trấn cũng rất thấp. Bình quân mỗi xã có 8-13 cụm loa. Do đặc thù miền núi nhiều sương muối, lại ít được bảo hành, kiểm tra sửa chữa nên hệ thống loa về thôn bản nhanh hư hỏng. Đến nay, chỉ có 4 xã duy trì được hoạt động thường xuyên của các cụm loa, còn các xã, thị trấn còn lại đã hư hỏng hơn 1/2 số cụm loa. Tại cấp huyện cũng chỉ có 3 cụm loa hoạt động. Vì vậy, nhiều địa phương trong huyện mong muốn được đầu tư xây dựng hệ thống truyền thanh, đáp ứng nhu cầu thông tin của người dân.

 

Ông Hồ Văn Hơi, Chủ tịch UBND xã Ba Tầng cho biết: “Hiện nay, 7 thôn bản của xã Ba Tầng thường xuyên được nghe đài phát thanh, chỉ còn 1 thôn là chưa bắt được sóng do quá xa. Qua khảo sát, đa số người dân rất thích được nghe đài vì tính tiện ích của nó. Chúng tôi mong muốn các cấp, các ngành tiếp tục quan tâm, đầu tư thêm và nâng cao chất lượng truyền thanh cho vùng bản”.

 

Trong xu thế dần số hóa truyền hình mặt đất, truyền thanh trở nên vô cùng lợi thế trong thực hiện nhiệm vụ truyền tải thông tin đến với Nhân dân. Mặt khác, đối với huyện Hướng Hóa, tỉ lệ hộ trang bị đủ điều kiện để xem truyền hình theo số hóa là không cao, do điều kiện cuộc sống còn khó khăn. Điều này đặt ra vấn đề bức thiết nhất đó là cần xây dựng đồng bộ hệ thống truyền thanh về tận các thôn bản của huyện. Đây chính là công cụ tuyên truyền đắc lực, hiệu quả nhất đối với vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

 

Bà Nguyễn Thị Huyền, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Hướng Hóa cho biết: Phòng Văn hóa và Thông tin huyện đã tham mưu UBND huyện về “Đề án nâng cấp, đầu tư hệ thống đài truyền thanh cơ sở trên địa bàn huyện Hướng Hóa giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025”, đã được HĐND huyện thông qua tại Nghị quyết số 18/2017/ NQ-HĐND, ngày 26/12/2017. Theo đó, mục tiêu đến năm 2025, 100% xã, thị trấn có hệ thống đài truyền thanh cơ sở từ nguồn kinh phí xây dựng nông thôn mới. Ngoài ra, từ năm 2019 đến nay, Sở Thông tin và Truyền thông, Tập đoàn Vingroup đã quan tâm đầu tư cho huyện 2 đài phát thanh cơ sở ở vùng bản, dự kiến trong năm 2020 sẽ đầu tư thêm 5 đài phát thanh cơ sở. Hiện nay đơn vị tăng cường phối hợp với các cơ quan liên quan để khảo sát, lắp đặt hệ thống truyền thanh cho các xã, nhất là các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần giúp người dân vùng sâu, vùng xa tiếp cận với nhiều thông tin bổ ích qua hệ thống loa truyền thanh cơ sở”.

 

Kô Kăn Sương

378 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 866
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 866
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77252780