|
Các hộ nuôi ốc hương ở xã Kim Thạch bị thiệt hại nặng nề sau thiên tai -Ảnh: Nguyễn Trang
|
Xã Kim Thạch là địa phương đầu tiên thử nghiệm mô hình nuôi ốc hương tại huyện Vĩnh Linh. Anh Phạm Văn Dũng và anh Nguyễn Xuân Công đều ở Cửa Tùng là 2 hộ đầu tư nuôi ốc hương lớn nhất ở địa bàn xã Kim Thạch. Trong đó anh Phạm Văn Dũng có khoảng 10 ha. Riêng anh Nguyễn Xuân Công đầu tư ban đầu về hệ thống cơ sở vật chất khoảng 4 tỉ đồng cho 4 ao nuôi với diện tích 7.000 m2. Ốc hương có thể nuôi quanh năm, thị trường tiêu thụ lại ổn định, có khi được thương lái thu mua xuất khẩu nên các vụ nuôi trước, cứ sau khoảng 7 tháng thả nuôi, với giá bán dao động từ 200- 250 ngàn đồng/kg, có thời điểm lên trên 300 ngàn đồng/kg thì các hộ thu về 2- 3 tỉ đồng/vụ.
Thế nhưng, đến vụ nuôi ốc hương này thì theo thống kê từ UBND xã Kim Thạch, chỉ riêng các đợt mưa lũ và bão số 9 diễn ra trong tháng 10/2020 đã gây vỡ 100 m đê hồ nuôi ốc hương với khối lượng khoảng 4.000 m3 đất tại vùng mũi Lò Vôi. Đồng thời, ảnh hưởng trực tiếp đến diện tích nuôi ốc hương 1.400 m2 với số lượng con giống nuôi trong hồ khoảng 2 triệu con, làm khoảng 8 tấn ốc chết. Số lượng ốc hương này có thời gian nuôi đã 4 - 5 tháng, sắp cho thu hoạch, gây thiệt hại khoảng 2 tỉ đồng.
Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNN huyện Vĩnh Linh Nguyễn Đình Lục cho biết: “Nuôi ốc hương đòi hỏi phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình từ ao nuôi, con giống, quản lý, chế độ ăn và đặc biệt phải có sự tính toán kỹ về tác động từ môi trường. Quan trọng nhất luôn phải đảm bảo độ mặn, hàm lượng vi chất của nước trong ao nuôi. Do vậy, khi mưa lớn kéo dài từ khoảng đầu tháng 10/2020 cộng với việc đê bị vỡ đã khiến nước bên ngoài xâm nhập sâu vào các hồ nuôi, làm thay đổi, phá vỡ định mức, độ mặn tiêu chuẩn của nước, dẫn đến ốc chết hàng loạt. Với loại ốc này, khi môi trường đã không đảm bảo, ban đầu một số ốc yếu dần rồi nhanh chóng lan rộng ra sẽ gây thiệt hại toàn hồ, việc khôi phục là rất khó”.
Trước tình hình này, các cấp, ngành liên quan của huyện Vĩnh Linh và xã Kim Thạch đã khẩn trương hướng dẫn người dân phương án xử lý số ốc hương bị chết đảm bảo vệ sinh môi trường cũng như tránh gây ảnh hưởng đến các ao, hồ khác.
Mặt khác, chủ động khắc phục, cải tạo lại ao, hồ nuôi, nhất là hệ thống nước. “Nuôi ốc hương cần chi phí đầu tư rất lớn, thường lên đến vài tỉ đồng đối với hộ gia đình nuôi từ 3- 4 hồ, ao. Vì vậy sau thiệt hại nặng nề do thiên tai, hiện người nuôi ốc hương ở huyện Vĩnh Linh gặp rất nhiều khó khăn để khôi phục sản xuất. Ngành nông nghiệp địa phương mong muốn các cấp, ngành liên quan tiếp tục quan tâm, có chính sách hỗ trợ kịp thời, cụ thể về nguồn vốn, con giống, các biện pháp kỹ thuật… để giúp người nuôi ốc hương sớm khôi phục hoạt động nuôi trồng trong thời gian tới”, ông Nguyễn Đình Lục cho biết thêm.
Nguyễn Trang