|
Nông dân Vĩnh Linh phấn khởi vì tiêu được mùa, được giá. Ảnh: TT
|
Những ngày này, anh Nguyễn Đức Phương (sinh năm 1965), ở thôn Hương Bắc, xã Kim Thạch, huyện Vĩnh Linh đang tích cực thu hoạch tiêu. Gia đình anh Phương có 1ha hồ tiêu được trồng từ năm 2015. Năm ngoái anh Phương thu hoạch được khoảng 2 tấn tiêu và bán được gần 90 triệu đồng. Năm nay, anh dự tính sẽ thu hoạch được trên 3 tấn tiêu. “Năm ngoái giá tiêu khô chỉ khoảng hơn 40 ngàn đồng/kg còn năm nay đã lên được trên 50 ngàn đồng/kg. Trước đây, tôi chủ yếu bán tiêu khô cho thương lái sau khi thu hoạch nhưng từ năm 2017, tôi tham gia Hợp tác xã (HTX) Sản xuất kinh doanh hồ tiêu Vĩnh Linh nên thu hoạch xong là bán tiêu tươi cho HTX với mức giá ổn định hơn. Năm nay giá tiêu có lên và tiêu được mùa nên gia đình tôi rất vui. Bởi vì số vốn ban đầu để gầy dựng vườn hồ tiêu mà gia đình tôi bỏ ra là gần 1 tỉ đồng. Vì vậy, tiêu được mùa, được giá giúp gia đình tôi sớm thu hồi lại vốn để đầu tư nhiều hơn”, anh Phương nói.
HTX Sản xuất kinh doanh hồ tiêu Vĩnh Linh được thành lập từ tháng 6/2017. HTX có tổng diện tích trồng tiêu khoảng 110 ha với 315 thành viên, phân bố ở các xã Trung Nam, Vĩnh Hòa, Hiền Thành, Kim Thạch và thị trấn Hồ Xá. Giám đốc HTX Sản xuất kinh doanh hồ tiêu Vĩnh Linh Lê Tấn Tửu cho hay, các hộ trong HTX đều nghiêm túc thực hiện quy trình trồng tiêu sạch theo hướng hữu cơ. Vụ tiêu năm nay các hộ trồng tiêu trong HTX đều được mùa, giá cả lại lên nên ai cũng phấn khởi. Đặc biệt, vừa qua HTX được huyện hỗ trợ 50 %, HTX đối ứng 50% để mua sắm máy sấy hạt tiêu đỏ với giá 160 triệu đồng. “Máy này được đặt tại xã Kim Thạch và bắt đầu hoạt động sấy tiêu đỏ từ hơn nửa tháng nay. Mỗi ngày, máy sấy được 200 cân tiêu tươi để cho ra 90 cân tiêu khô giữ nguyên màu đỏ tự nhiên. Ngoài phơi sấy hạt tiêu đen, tiêu sọ (tiêu trắng) truyền thống, hiện nay chúng tôi làm thử nghiệm sản xuất hạt tiêu chính giữ nguyên màu đỏ sau khi sấy khô để tăng giá trị kinh tế. Chúng tôi đang đàm phán để tiến tới xuất khẩu tiêu đỏ sang thị trường Châu Âu”, ông Tửu chia sẻ.
HTX Nông nghiệp dịch vụ hồ tiêu Cùa được thành lập từ năm 2001 với 25 thành viên, có 170 ha trồng tiêu theo hướng hữu cơ. Trước những năm 1990, diện tích trồng hồ tiêu tại Cam Lộ có lúc hơn 900 ha. Việc trồng và kinh doanh hồ tiêu đã mang lại cuộc sống ổn định và khá giả cho hàng ngàn hộ dân trên địa bàn. Người dân Cam Lộ lúc bấy giờ rất tự hào vì tiêu Cùa trái không chỉ đều đẹp mà hàm lượng tinh dầu cao, hạt chắc, hương vị nồng cay, thơm ngon nên rất được ưa chuộng. Tiêu Cùa giữ được vị thế trong suốt gần 15 năm trước khi bước vào thời kỳ khủng hoảng vì rớt giá vào những năm 2000. Đến năm 2010, diện tích trồng hồ tiêu tại Cam Lộ giảm sút, người dân không mặn mà với cây hồ tiêu vì giá cả giảm xuống quá thấp.
Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Nông nghiệp dịch vụ hồ tiêu Cùa Trần Hà cho hay, trước thực tế đó, cấp ủy, chính quyền và HTX luôn trăn trở, tìm hướng đi để đưa cây hồ tiêu trở thành sản phẩm mũi nhọn của địa phương, đưa thương hiệu tiêu Cùa trở lại thời kỳ hưng thịnh. Và rồi tiêu Cùa được hồi sinh từ khi Huyện ủy Cam Lộ đưa chuyên đề khôi phục và trồng mới cây hồ tiêu giai đoạn 2011- 2015 vào nghị quyết của đảng bộ. “Đến nay, HTX đã xây dựng được chuỗi giá trị cho sản phẩm tiêu Cùa sau khi được tổ chức Csip và Oxfam đào tạo về quản trị chiến lược và truyền thông thương hiệu. Sản phẩm tiêu Cùa cũng đến được với thị trường lớn từ các hội chợ trong và ngoài tỉnh. Ngoài ra, năm 2018 cây hồ tiêu được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, đây là lợi thế để HTX Hồ tiêu Cùa quảng bá sản phẩm tiêu Cùa”, ông Hà nói.
Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, Chủ tịch Hội Sản xuất và kinh doanh tiêu tỉnh Quảng Trị Dương Mạnh Tường cho biết, toàn tỉnh hiện có trên 2.000 ha hồ tiêu, chủ yếu tập trung ở các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ, Hướng Hóa. Trong đó có 38 xã thuộc 4 huyện này đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Đến thời điểm hiện tại, nông dân toàn tỉnh đã thu hoạch trên 50% diện tích hồ tiêu với năng suất 2 tấn/ha, cao hơn hẳn những năm trước (từ 1,2-1,5 tấn/ha). Mặc dù năm nay thời tiết phức tạp, hạn hán kéo dài, dịch bệnh xảy ra nhiều nơi nhưng ngành nông nghiệp và người dân đã xử lý kịp thời, không để lây lan trên diện rộng. Nhờ vậy, cây tiêu vẫn sinh trưởng tốt và cho năng suất cao.
Theo ông Tường, giá hồ tiêu thành phẩm giảm mạnh từ năm 2016 và chạm đáy vào năm 2018. Bắt đầu từ năm 2019, giá hồ tiêu có dấu hiệu phục hồi. Hiện tại, tiêu thành phẩm có giá giao động từ 55-58 ngàn đồng/ kg. Thời gian qua, các địa phương trong tỉnh đã thành lập nên nhiều HTX, tổ hợp tác để hỗ trợ nông dân trồng hồ tiêu từ khâu trồng trọt, chăm bón đến tiêu thụ. Các HTX, tổ hợp tác thu mua hồ tiêu cho nông dân giá ổn định và cao hơn so với thị trường. Bên cạnh đó, những năm gần đây, các doanh nghiệp, địa phương cũng chú trọng đến việc sản xuất phong phú các sản phẩm từ hồ tiêu như tiêu đen, tiêu sọ, tiêu ngũ sắc… để bán ra thị trường, hướng đến xuất khẩu ra nước ngoài nhằm tăng giá trị của hồ tiêu Quảng Trị. Trên địa bàn tỉnh hiện có tiêu Cùa của HTX Nông nghiệp dịch vụ hồ tiêu Cùa được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao và hiện nay, tiêu Quảng Trị đã hoàn thiện chỉ dẫn địa lý, hướng đến hoàn thành truy xuất nguồn gốc cho cây hồ tiêu.
Ông Tường cho biết thêm, nguyên nhân chính khiến tiêu Quảng Trị nói riêng và cả nước nói chung bị rớt giá là do bị vỡ quy hoạch, người dân ồ ạt trồng tiêu mà không hướng đến chất lượng sau thu hoạch. Tiếp đến là chưa chú trọng áp dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất… Vì vậy, giải pháp căn cơ và lâu dài để phát triển cây hồ tiêu bền vững đó là ổn định diện tích trồng tiêu, không phát triển ồ ạt, chú trọng chất lượng hơn số lượng, trồng tập trung, không phân tán manh mún. Đồng thời đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất. Về lâu dài, người trồng tiêu cần hướng đến trồng theo hướng hữu cơ, đa dạng hóa sản phẩm, giữ được màu đỏ của trái tiêu chính để tạo ra sức hút đối với người tiêu dùng. Đặc biệt, cần chú trọng đến khâu quản lý sản phẩm, không để lẫn tiêu Quảng Trị với tiêu của những địa phương khác để giữ vững thương hiệu; chú trọng xúc tiến thương mại, đẩy mạnh tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định, hướng đến xuất khẩu.
Trần Tuyền