|
Diện mạo xã Trung Sơn có nhiều khởi sắc sau khi hoàn thiện hệ thống giao thông nông thôn. Ảnh: T.L
|
Mở đầu câu chuyện với chúng tôi, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Trung Sơn Trần Quốc Vương cho biết: “Sau gần 9 năm triển khai thực hiện chương trình xây dựng NTM, đến thời điểm này, theo đánh giá của địa phương, xã Trung Sơn đã hoàn thành 19/19 tiêu chí, hiện đang chờ sự thẩm định của cấp trên. Đạt được kết quả đó, sự đồng thuận tham gia của người dân đóng vai trò rất quan trọng”. Tuyến đường liên xã nối Quốc lộ 1 (mới) với xã Gio Bình có chiều dài gần 5 km mặc dù được chính quyền quan tâm đầu tư sửa chữa nhưng do kinh phí ít nên bề mặt đường nhiều đoạn đã xuống cấp, gây khó khăn cho việc đi lại của người dân.
Đầu năm 2018, khi nhà nước có chủ trương bố trí kinh phí làm đường liên xã, xã Trung Sơn đã tổ chức cuộc họp mở rộng có sự tham gia của các đoàn thể và các trưởng thôn để lắng nghe ý kiến của người dân. Sau khi nhận được sự đồng tình cao của người dân trong thực hiện chủ trương mở rộng tuyến đường, chính quyền địa phương đã thành lập Ban Vận động giải phóng mặt bằng đường liên xã và xây dựng kế hoạch triển khai vận động. Những cán bộ, đảng viên trên địa bàn đã gương mẫu đi đầu trong phong trào giải phóng mặt bằng, chủ động hiến đất và tài sản trên đất để làm đường. Từ đó, các hộ dân liên quan đã chủ động hiến một phần diện tích đất ruộng, đất vườn, cây cối có giá trị để tuyến được được thi công đúng tiến độ. Đối với những hộ khó vận động, ban vận động vừa tập trung tuyên truyền, đồng thời linh hoạt hỗ trợ cho những gia đình khó khăn bằng việc giúp cải tạo vườn tạp, xây dựng lại khuôn viên vườn, hỗ trợ làm sổ đỏ sau khi hiến đất... Nhờ vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, 119 hộ dân trên địa bàn xã Trung Sơn đã tình nguyện hiến hơn 10.000 m2 đất cùng hàng trăm cây công nghiệp lâu năm, hỗ trợ ngày công để tuyến đường liên xã được hoàn thành đúng tiến độ. Sau khi hoàn thành và đưa vào sử dụng vào cuối năm 2019, tuyến đường liên xã được trải nhựa thẳng tắp, phẳng lỳ đã đem đến diện mạo mới cho xã Trung Sơn.
Nhờ tạo sự đồng thuận, huy động được sức dân nên phong trào làm đường giao thông nông thôn lan tỏa rộng khắp trên địa bàn xã Trung Sơn. Không chỉ chung tay làm đường liên xã, trước đó, người dân đã hiến đất để làm sân văn hóa trung tâm xã, ở nhiều thôn, người dân còn chủ động hiến đất, hiến công cùng nhiều công trình dân sinh có giá trị để hoàn thiện hệ thống giao thông nông thôn.
Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn Kinh Môn Lê Quốc Việt chia sẻ thêm: “Xây dựng đường giao thông nông thôn đã trở thành một phong trào rộng khắp, có sức lan tỏa mạnh mẽ tại xã Trung Sơn nói chung và thôn Kinh Môn nói riêng, từ đó làm thay đổi cơ bản diện mạo nông thôn trên địa bàn xã. Tại thôn Kinh Môn, theo quy hoạch, đường giao thông chỉ có chiều rộng từ 3,5- 5m, tuy nhiên trong quá trình bê tông hóa, người dân hai bên các tuyến đường đã chủ động mở rộng bề mặt đường lên từ 7-10 m để thuận lợi cho việc đi lại, vận chuyển nông sản, hàng hóa. Nhiều hộ dân còn tình nguyện hiến đất vườn, đóng góp ngày công, dỡ bỏ tường rào và góp tiền để đường được hoàn thành. Đối với những tuyến đường không nằm trong quy hoạch xây dựng, người dân đã đóng góp công sức, kinh phí để cứng hóa và lót đá cấp phối để làm đẹp thêm cho bộ mặt nông thôn”. Để có sự đồng thuận cao của người dân trong việc hoàn thiện hệ thống giao thông nông thôn, công tác tuyên truyền, vận động đóng vai trò rất quan trọng. Trên cơ sở chủ trương của địa phương, Ban công tác Mặt trận thôn đã phối hợp với chính quyền vận động các tổ chức, đoàn thể chủ động tham gia, giao cho các hội, đoàn thể vận động hội viên, đoàn viên thực hiện. Nhờ vậy, người dân đã từng bước nhận thức được vai trò chủ thể của mình trong thực hiện chương trình xây dựng NTM và chủ động hưởng ứng thực hiện các phần việc”.
Là một xã thuộc vùng bán sơn địa, cách trung tâm huyện Gio Linh khoảng 7 km về phía Bắc, xã Trung Sơn có diện tích đất tự nhiên trên 2.951 ha. Thực hiện thành công chương trình xây dựng NTM đã làm cho diện mạo nông thôn Trung Sơn có nhiều khởi sắc, đời sống Nhân dân ổn định, thu nhập bình quân đầu người hằng năm đều tăng, đến cuối năm 2019 đạt gần 40 triệu đồng/người/năm. Các công trình cơ sở hạ tầng của xã như nhà văn hóa các thôn, trường học, trạm y tế và hệ thống giao thông, mô hình ánh sáng đường quê được đầu tư xây dựng; đường làng, ngõ xóm thường xuyên được phát quang, vệ sinh làm cho môi trường xanh, sạch, đẹp. Trong những thành công chung đó có sự đóng góp quan trọng của công tác dân vận.
Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Trung Sơn Trần Quốc Vương nhấn mạnh: “Để người dân đồng tình ủng hộ thì trước hết nội dung vận động phải thiết thực, đem lại lợi ích thực sự cho người dân. Tất cả những công việc chúng tôi triển khai đều xuất phát từ nguyện vọng chính đáng của người dân, luôn đặt nguyện vọng của người dân lên hàng đầu. Trong quá trình thực hiện công tác tuyên truyền, vận động phải có cách thức, phương pháp cụ thể, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ để người dân hiểu, nhận thức đúng và đầy đủ về trách nhiệm, vai trò chủ thể của mình trong xây dựng NTM, hiện thực hóa phương châm “dân biết, dân bàn, dân quyết định, dân làm, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Bên cạnh đó, ngoài sự hỗ trợ của nhà nước, địa phương đã phát huy trí tuệ và sức mạnh của Nhân dân, huy động hợp lý các nguồn lực trong dân để xây dựng NTM. Mọi huy động đóng góp của dân phải được bàn bạc, công khai, dân chủ, nhận được sự đồng thuận cao trong cộng đồng dân cư. Chính những kết quả, lợi ích thiết thực mà các công trình, phần việc đem lại đã làm tăng thêm lòng tin, sự đồng lòng, đồng thuận và đồng hành của Nhân dân trong thực hiện chương trình xây dựng NTM tại địa phương”.
Lệ Như