“Lá cờ còn, Tổ quốc còn…”
Về làng Hiền Lương, xã Hiền Thành trong những ngày cuối tháng 8, chúng tôi có dịp trò chuyện với các nhân chứng lịch sử hiếm hoi từng trực tiếp làm nhiệm vụ bảo vệ cột cờ giới tuyến năm xưa. Dù đã ngoài tuổi 80 nhưng ông Lê Công Hường và ông Lê Công Hòa, từng là chiến sĩ dân quân tự vệ Hiền Lương vẫn nhớ như in về năm tháng hào hùng chiến đấu bảo vệ cột cờ của Tổ quốc.
|
Lá cờ tung bay trên nền trời Vĩnh Linh luôn là niềm kiêu hãnh của Nhân dân Quảng Trị và đồng bào cả nước - Ảnh: TRÚC PHƯƠNG
|
Theo lời các ông kể, những cuộc chiến không tiếng súng ấy cũng cam go và không kém phần ác liệt. Tháng 8/1954, quân ta cho dựng cột cờ bằng cây phi lao cao 12 m treo lá cờ khổ 3,2mx4,8m. Ở bờ Nam, quân Pháp liền cắm cờ của chúng lên nóc lô cốt cao 15 m tại làng Xuân Hòa, xã Trung Hải, huyện Gio Linh. Đáp ứng nguyện vọng của Nhân dân muốn nhìn thấy cờ của quân ta phải cao hơn cờ của địch nên nhiều chiến sĩ, trong đó có ông Hường, ông Hòa liền tìm kiếm một cây gỗ khác cao 18 m để treo lá cờ rộng 24 m2. Nhận thấy phía bắc cầu Hiền Lương có cờ lớn hơn, cột cao hơn, đến tháng 2/1956, sau khi chuyển giao chính quyền, Ngô Đình Diệm cho xây dựng hẳn một cột cờ bằng xi măng cốt thép kiên cố có chiều cao là 30 m, trên đỉnh treo một lá cờ Việt Nam cộng hoà có đèn nê - ông nhấp nháy đủ màu. Trước sự khiêu khích của giặc, Trung ương đã đưa vào Hiền Lương một cột cờ bằng thép ống cao chừng 34 m treo lên lá cờ rộng 108 m2. Theo lời ông Hường kể, trên đỉnh cột cờ khi ấy còn gắn một ngôi sao bằng đồng có đường kính 1,2 m và 15 bóng đèn. Khi lá cờ được kéo lên, Nhân dân hai bên giới tuyến rất vui mừng . “Nhưng đó vẫn chưa phải là cột cờ cao nhất”, ông Hường cho biết. Địch thấy cờ của quân ta cao thì không chịu để yên, cố ý nâng cột cờ lên thành 35 m. Lần thứ 3 trong lịch sử, phía Bắc cầu Hiền Lương được Chính phủ cho dựng một cột cờ mới kiên cố cao trên 38 m, treo lên lá cờ rộng 134 m2 được làm bằng vải nhung nặng tầm 15 kg để người dân đôi bờ dù đứng xa giới tuyến cũng có thể nhìn thấy. Cách đỉnh cột cờ 10 m còn được lắp đặt một ca-bin nhỏ để chiến sĩ ta đứng treo và thu cờ.
Ông Lê Công Hòa nhớ lại: “Nhiệm vụ của chúng tôi khi ấy không chỉ là dựng cột cờ mà phải giữ cho cờ thường xuyên tung bay ở giới tuyến. Chúng tôi luôn khắc ghi lời thề bảo vệ lá cờ trong tim. Lá cờ còn, Tổ quốc còn. Bằng mọi giá phải bảo vệ cho được cột cờ”. Sau nhiều lần nâng cột cờ, cuộc đấu cờ bắt đầu chuyển sang giai đoạn ác liệt nhất vào năm 1965, khi đế quốc Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc. Bom đạn kẻ thù khiến nhiều lá cờ bị rách và cột cờ bị gãy đổ. “Chúng càng đánh phá, quân và dân ta càng kiên cường. Cờ rách thì đem vá, cột cờ gãy thì thay cột cờ mới. Trong những năm tháng chia cắt nước nhà ấy, chúng tôi đã treo tổng cộng 267 lá cờ lớn nhỏ, riêng năm 1967 thì thay cột cờ 11 lần và thay lá cờ 42 lần vì đế quốc Mỹ bắn phá ác liệt quá”, ông Hòa cho biết thêm. Trong ký ức của những người chiến sĩ dân quân bảo vệ cột cờ giới tuyến khi ấy, sự kiện lịch sử đáng nhớ nhất suốt hơn 20 năm chia cắt có lẽ là vào 8/1967, khi máy bay B52 của Mỹ cùng nhiều máy bay ném bom khác của chính quyền miền Nam bắn phá và đánh sập một nhịp cầu Hiền Lương cùng với cột cờ. Ông Hòa cùng nhiều chiến sĩ dân quân tự vệ, lực lượng Công an nhân dân giới tuyến bị thương, hy sinh. Còn ông Hường thì được cấp trên giao làm tổ trưởng tổ chèo đò tiếp tục nhiệm vụ chở cán bộ, vũ khí, đạn dược, tù binh và Nhân dân qua sông. Ngay trong đêm cột cờ bị gãy ấy, một cột cờ mới lại được dựng lên. Cùng lúc đó, quân đội của ta tại giới tuyến phía Bắc dùng bộc phá đánh sập cột cờ bờ Nam, kết thúc hoàn toàn cuộc “đấu cờ” gay gắt giữa hai bên chiến tuyến.
Niềm kiêu hãnh của quá khứ và hiện tại
Ông Hòa thừa nhận, dù hiện tại tuổi đã cao, có một số chuyện khi quên khi nhớ nhưng vết sẹo dài trên chân của người thương binh hạng 4/4 ấy luôn nhắc ông nhớ rõ về những ngày tháng hào hùng năm xưa. “Suốt 20 năm ròng rã ấy, lá cờ chính là niềm kiêu hãnh của đồng bào ta ở cả hai bờ chiến tuyến. Là lời hứa về một ngày non sông thống nhất, người dân hai miền lại về chung một nhà”, ông Hòa cho hay. Hòa bình lập lại, ông Hòa, ông Hường cùng những người đồng đội may mắn sống sót tiếp tục trở về quê hương xây dựng cuộc sống. Trên những mảnh đất cằn cỗi, chỉ toàn là những hố bom, các ông đã tự tay lấp đất, dựng nhà, xây dựng một cuộc sống ấm no, hạnh phúc như bây giờ. Về thăm làng Hiền Lương những ngày này, khó ai có thể biết làng quê trù phú trước mắt từng là nơi bị hủy diệt bởi đạn bom của kẻ thù.
|
Những chiến sĩ dân quân bảo vệ cột cờ giới tuyến năm xưa - Ảnh: TRÚC PHƯƠNG
|
Sau này, cột cờ giới tuyến được xây dựng lại với chiều cao 38,6m từ mặt đất lên đến đỉnh ngôi sao và lá cờ có diện tích 73,5 m2 hằng ngày tung bay trên nền trời Vĩnh Linh. Trong thời bình, lá cờ có ý nghĩa vô cùng thiêng liêng, là nơi tôn vinh chiến thắng lững lẫy năm xưa của dân tộc ta, đồng thời thể hiện niềm kiêu hãnh của người dân Quảng Trị nói riêng và niềm tự hào của đồng bào cả nước nói chung. Phát huy truyền thống đó, tập thể Ban quản lý Di tích Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải luôn làm tốt công tác duy tu, bảo dưỡng Cụm di tích lịch sử. Đồng thời thường xuyên thuyết minh cho khách du lịch hiểu rõ hơn ý nghĩa của lá cờ cũng như những đau thương, mất mát mà quân và dân ta phải đánh đổi để bảo vệ cột cờ trong chiến tranh. Đặc biệt vào các dịp lễ lớn như 30/4, 2/9 hằng năm… Lễ thượng cờ “Thống nhất non sông” cũng được Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Quảng Trị tổ chức long trọng tại đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải. Trong không khí trang nghiêm của buổi lễ, lá cờ đỏ sao vàng được từ từ kéo lên trên đỉnh kỳ đài lịch sử, kiêu hãnh tung bay trên bầu trời xanh. Trưởng ban Ban Quản lý di tích Hiền Lương - Bến Hải Lê Thị Tố Hoài cho biết: “Với tư cách là những người giữ gìn cột cờ giới tuyến ở hiện tại, chúng tôi luôn mong muốn tiếp nối sự hy sinh của thế hệ đi trước, bảo vệ và phát huy những thành quả chiến đấu của ông cha ta. Cột cờ giới tuyến dù trong quá khứ hay hiện tại vẫn luôn là biểu tượng của sự kiêu hãnh, niềm tin và sức mạnh của cả dân tộc ta”.
Trúc Phương