|
Tổ chức truyền thông phân luồng học sinh trên địa bàn xã Hải Quy. Ảnh: Thanh Lê
|
Trao đổi với chúng tôi, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp- Giáo dục thường xuyên Hải Lăng Võ Văn Lập cho biết: “Để thực hiện tốt công tác phân luồng học sinh trên địa bàn, ngay sau khi sáp nhập, chúng tôi đã xác định rõ chủ đề “Phát huy huy nội lực, đổi mới phương thức, tích cực phân luồng, nâng cao hiệu quả” đồng thời xác định 5 nhóm giải pháp chủ yếu để tập trung thực hiện. Đó là tiến hành khảo sát, nắm tình hình, sau đó làm tốt công tác tham mưu, phối hợp; đẩy mạnh và đa dạng hóa các hoạt động truyền thông theo hướng xã hội hóa về phần luồng học sinh; tập trung chỉ đạo công tác phân luồng học sinh là nhiệm vụ trọng tâm và cuối cùng là giải pháp chú trọng hoạt động phối hợp và liên kết đào tạo. Sau 3 năm triển khai thực hiện các giải pháp trên đã tạo được sự chuyển biến tích cực trong phụ huynh và học sinh trên địa bàn về phân luồng học sinh, góp phần quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế- xã hội của địa phương”.
Việc triển khai những giải pháp, cách làm mới trong phân luồng học sinh tại huyện Hải Lăng đã tạo ra những kết quả bước đầu đáng ghi nhận. Trước hết là các cấp đã phát huy vai trò trách nhiệm trong công tác phân luồng học sinh, từ đó đưa ra nhiều giải pháp, biện pháp hữu hiệu, thiết thực. Bên cạnh đó, các ban, ngành, đoàn thể tại địa phương đã có sự phối hợp chặt chẽ, các địa phương xác định rõ vai trò để tổ chức, thực hiện phân luồng học sinh tại cơ sở. Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện đã phát huy tốt vai trò tham mưu, phối hợp làm tốt truyền thông về phân luồng học sinh. Đặc biệt là nhận thức của phụ huynh, học sinh và người dân trên địa bàn về phân luồng học sinh đã có nhiều chuyển biến tích cực, tỉ lệ học sinh tham gia học nghề ngày càng cao hơn. Đáng chú ý là những năm gần đây xuất hiện thêm một luồng mới: Học sinh kết hợp học văn hóa với học trung cấp nghề miễn phí. Chính hướng đi mới này đã tạo điều kiện thuận lợi để các em có hoàn cảnh khó khăn, những em có học lực trung bình khá trở xuống có điều kiện học văn hóa và học nghề. Các bậc phụ huynh và học sinh cũng rất phấn khởi, tự tin với mô hình học theo luồng mới này.
Để thực hiện tốt công tác phân luồng học sinh, thời gian qua, huyện Hải Lăng đã tổ chức được 3 đợt truyền thông phân luồng học sinh tại 20 xã, trị trấn; 19 trường THCS và 3 trường THPT trên địa bàn, thu hút trên 6.000 bậc phụ huynh và 7.000 học sinh tham gia. Có trên 95% học sinh khối 9 và khối 12 được truyền thông về phân luồng học sinh. Tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp- Giáo dục thường xuyên huyện, sau khi sáp nhập, bắt đầu từ năm học 2016-2017 đến nay đã tuyển sinh được 178 học sinh lớp 10 học văn hóa kết hợp với học nghề miễn phí. Về liên kết đào tạo, trung tâm đã chủ động phối hợp, liên kết với Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh tổ chức 3 lớp đại học cho trên 110 sinh viên. Liên kết với Trường Cao đẳng nghề Quảng Bình, Cao đẳng nghề Huế, Cao đẳng nghề Nam Định… tổ chức được 20 lớp trung cấp nghề miễn phí tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện với trên 600 học viên tham gia. Các ngành nghề chủ yếu được đơn vị phối hợp đào tạo như công nghệ ô tô, điện công nghiệp, kĩ thuật hàn, quản trị khách sạn, kĩ thuật chế biến món ăn, may thời trang, tin học ứng dụng… Cùng với đó, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện cũng phối hợp với công ty may trên địa bàn đào tạo được 4 lớp may công nghiệp với 164 học viên tham gia. Sau khi kết thúc khóa đào tạo, các học viên đạt yêu cầu được tuyển dụng vào làm công nhân của công ty với mức lương và thu nhập khá ổn định.
Chia sẻ về những kinh nghiệm trong thực hiện phân luồng học sinh tại huyện Hải Lăng, ông Võ Văn Lập cho biết thêm: “Để công tác phân luồng học sinh được thực hiện có hiệu quả, cần bám sát sự chỉ đạo chuyên môn nghiệp vụ của Sở Giáo dục và Đào tạo; Sở Lao động, Thương binh và Xã hội; sự lãnh đạo của Huyện ủy, UBND huyện để hiến kế chương trình hoạt động một cách cụ thể, phù hợp với tình hình, đặc điểm của địa phương và Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên Hải Lăng sau khi sáp nhập…Bên cạnh đó, cần xác định đúng đối tượng và làm tốt công tác truyền thông phân luồng học sinh. Đặc biệt là phụ huynh và học sinh các lớp cuối cấp THCS và THPT cần được trang bị những kiến thức về ngành nghề trong xã hội, tương lai của việc học nghề và học đại học, dần xóa bỏ tâm lí thích làm thầy hơn làm thợ. Trong liên kết đào tạo, cần phải tuyển chọn các trường có uy tín, có đội ngũ giáo viên vững vàng tay nghề, chú ý liên kết phải đảm bảo đầu ra sau khi học sinh tốt nghiệp. Xây dựng đội ngũ báo cáo viên có ý thức và trách nhiệm truyền thông, am hiểu về thực tế xã hội và địa phương, nắm bắt sâu sắc tâm lí của phụ huynh và học sinh để có những tư vấn thích hợp”.
Thanh Lê