Những “nhà báo” mặc áo lính 

(QT) - Họ là những nhân viên Ban Tuyên huấn trong lực lượng vũ trang, thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam. Trên mặt trận tuyên truyền, họ là những “nhà báo” ba trong một, vừa viết tin bài báo in, vừa quay và dựng video truyền hình chất lượng. Trong quá trình tác nghiệp, những “nhà báo” mặc áo lính này gặp nhiều áp lực và nguy hiểm chẳng thua kém gì những người làm báo chuyên nghiệp.

Anh Nguyễn Mạnh Hùng (người cầm micro) dẫn hiện trường trong một lần tác nghiệp. Ảnh: T.T

 

“Nhà báo” ba trong một

 

Các phóng viên báo, đài địa phương và thường trú tại Quảng Trị đều biết Trung úy Nguyễn Mạnh Hùng (sinh năm 1984), nhân viên Ban Tuyên huấn của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh. Mỗi khi có sự kiện “nóng sốt”, những vụ án bắt ma túy, buôn lậu nơi địa bàn biên giới hay cứu hộ cứu nạn ngoài biển khơi, anh luôn có mặt tác nghiệp và sẵn sàng chia sẻ thông tin cho đồng nghiệp.

 

“Tháng 10/2003, tôi nhập ngũ tại Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Trị. 3 năm sau, tôi theo học Trường Trung cấp Biên phòng 2 ở Bà Rịa - Vũng Tàu. Đến năm 2008, tôi về nhận công tác tại Đồn Biên phòng Cù Bai (nay là Đồn Biên phòng Hướng Lập); năm 2011, tôi được điều động về làm nhân viên Ban Tuyên huấn, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh. Kể từ đây, tôi dấn thân vào chặng đường làm báo đầy khó khăn, nhưng cũng lắm kỉ niệm”, anh Hùng kể với chúng tôi.

 

Không phải học sinh chuyên văn, cũng chưa từng kinh qua nghiệp vụ báo chí nhưng lúc bấy giờ, anh Hùng được cấp trên giao cho một máy quay phim chuyên nghiệp và giao nhiệm vụ viết tin, bài, quay và dựng video clip về một hội nghị cho đơn vị. “Sản phẩm đầu tay này được đăng phát trên một số phương tiện thông tin ở địa phương và trung ương. Nhưng hôm sau, thủ trưởng gọi tôi lên, nhận xét về tác phẩm đó chưa thực sự hay nên giao cho tôi nhiệm vụ phải ngồi đánh máy. 10 ngày sau, thủ trưởng gọi tới hỏi có thấy tiến bộ gì không, rồi giao viết một mẫu tin mới về Đồn Biên phòng Ba Tầng tuần tra biên giới. Lần này thì câu chữ của tôi khá hơn, bản tin chỉnh chu hơn. Kết quả ấy là nhờ 1 tuần trời ngồi gõ văn bản, công văn của đơn vị”, anh Hùng nói.

 

Sau lần đó, anh Hùng tích cực đọc sách, báo, xem truyền hình và thường xuyên qua Đài PTTH tỉnh để “học lóm” các ngón nghề quay, dựng phim, viết lời bình cho tin và phóng sự truyền hình. Nhờ vậy chỉ trong thời gian ngắn, “tay nghề” của anh Hùng ngày càng tiến bộ. Nay, anh đã có thể độc lập “tác chiến” trên mọi sự kiện.

 

Một ngày đầu tháng 12, chúng tôi có dịp gặp Thiếu tá Nguyễn Viết Linh, nhân viên Ban Tuyên huấn, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh trong lúc anh đang dựng dở một phóng sự truyền hình tuyên truyền cho đơn vị. Anh kể: “Năm 1990, tôi theo học ngành Phát thanh, truyền hình tại Trường Cao đẳng Phát thanh - Truyền hình 1 (TP. Phủ Lý, tỉnh Hà Nam). Sau khi tốt nghiệp ra trường, tôi nhập ngũ vào Tiểu đoàn 43, Bộ CHQS tỉnh. Sau 3 tháng huấn luyện, tôi được biên chế về Ban Tuyên huấn của Bộ CHQS tỉnh”, anh Linh nhớ lại.

 

Năm 1997, anh Linh cùng với các đồng nghiệp trong Ban Tuyên huấn bắt đầu sản xuất tin bài báo in và phóng sự truyền hình tuyên truyền cho các hoạt động của lực lượng vũ trang trong tỉnh. Đến nay, anh Linh là người có nhiều thâm niên, kinh nghiệm nhất trong nghề tại Ban Tuyên huấn, Bộ CHQS tỉnh. Mỗi khi có sự kiện, anh Linh lại chuẩn bị máy quay phim, máy chụp ảnh để kịp thời tác nghiệp. Rồi miệt mài dựng phim, viết bài cộng tác tới các cơ quan báo, đài PT-TH trong tỉnh và quân khu… Năm 2005, để phục vụ nhu cầu ngày càng cao của công việc, anh theo học ngành Báo chí do Học viện Báo chí và Tuyên truyền mở tại Quảng Trị. Ngoài ra, anh cũng thường xuyên tham gia các lớp tập huấn kĩ năng báo chí trong và ngoài quân đội tổ chức.

 

Khó khăn, hiểm nguy thường trực Khi nhắc đến những khó khăn, hiểm nguy của nghề làm báo trong lực lượng vũ trang, Trung úy Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ, anh tốt nghiệp chuyên ngành trinh sát ma túy nên thường được cấp trên phân công đi theo các chuyên án ma túy. Để có được những thước phim chân thực, sống động, gay cấn, anh Hùng đã nhiều lần quay trực tiếp quá trình các chiến sĩ trinh sát của BĐBP tỉnh bắt tội phạm buôn bán, vận chuyển ma túy, buôn lậu. “Đi theo chuyên án ma túy, chống buôn lậu nên mình cũng là một thành viên trong đội, phải khéo léo, cẩn thận ngụy trang, tránh để bị lộ. Khi các trinh sát lao ra bắt tội phạm thì mình phải theo sát gót để có được hình ảnh quá trình rượt đuổi, khống chế, bắt tội phạm. Nhiều lần tội phạm lao đến khi tôi đang quay phim, không còn cách nào khác, tôi nhanh chóng đặt máy quay xuống đất rồi quật ngã tội phạm, cùng đồng đội hoàn thành nhiệm vụ. Cũng có lần tôi theo chân đồng đội quay cảnh chống buôn lậu thì bị các đối tượng buôn lậu uy hiếp, đe dọa đến tính mạng người thân và gia đình”, anh Hùng nhớ lại.

 

Cũng lắm lúc, anh cùng đồng đội trên những chiếc tàu cứu nạn, cứu hộ lênh đênh giữa mưa giông gió chớp để kịp thời cứu các tàu, thuyền gặp nạn trên biển. “Vì không quen đi biển, sóng to gió lớn nên những lần theo tàu cứu nạn, cứu hộ ra khơi cứu ngư dân gặp nạn, tôi bị say sóng. Tuy nhiên, nhiệm vụ vẫn phải hoàn thành”, anh Hùng tếu táo. Anh Hùng cho hay, luôn sẵn sàng nhận nhiệm vụ, không bao giờ để điện thoại hết pin vì nhiệm vụ có thể được giao bất kì lúc nào. Nhiều khi ôm máy quay xuyên đêm cùng đồng đội băng rừng, lội suối để có những thước phim tuần tra biên giới, bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.

 

Kể về những kỉ niệm đáng nhớ trong quá trình tác nghiệp, anh Nguyễn Viết Linh chia sẻ, trong một lần quay cảnh diễn tập về các khí tài hỏa lực mạnh, vì chưa có kinh nghiệm nên anh chọn góc đặt máy quay quá gần với khẩu pháo lớn. Lúc đó, may mắn anh được thủ trưởng nhắc nhở, nếu không sẽ nguy hiểm đến tính mạng. “Một lần khác, tôi quay hoạt động tình nguyện, giúp dân phát triển kinh tế tại xã A Vao, huyện Đakrông. Lúc bấy giờ chưa có đường lớn mà chủ yếu là đường mòn độc đạo, chỉ dành cho người đi bộ. Hôm ấy, trời mưa, nước sông suối dâng cao, chảy xiết. Tôi vác theo máy quay phim, cùng một đoàn viên khác ngược núi lên với người dân ở A Vao. Trong lúc vượt qua một con suối lớn thì tôi bị trượt chân, suýt nữa bị nước cuốn trôi cả người và máy. May mắn lúc đó, tôi được các chiến sĩ BĐBP cứu giúp”, anh Linh nhớ lại.

 

Những người làm báo nói chung đều có áp lực lớn về thời gian. Anh Hùng và anh Linh cũng không ngoại lệ. Đằng sau mỗi sự kiện, các anh phải nhanh chóng xử lí tin bài cho báo in, viết lời bình, dựng phim cho báo hình. Trong một khoảng thời gian ngắn, các anh phải hoàn thành những công việc này một cách nhanh nhất để kịp thời gửi đến các tòa soạn báo, các đài PT-TH địa phương, trung ương.

 

“Khó khăn, vất vả, hiểm nguy đều đã trải qua, nhưng không vì thế mà anh em chúng tôi nản lòng. Chúng tôi luôn được cấp trên, đồng nghiệp và nhân dân tạo điều kiện, hỗ trợ và tin tưởng nên có thêm động lực để yêu nghề và sẵn sàng nhận nhiệm vụ bất kì lúc nào, đi đến bất cứ nơi đâu để có được những thước phim, hình ảnh chân thực, sinh động, góp phần tuyên truyền các hoạt động quốc phòng, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, giúp nhân dân thoát nghèo, cứu nạn, cứu hộ của lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh nhà”, anh Linh chia sẻ với chúng tôi lúc chia tay.

 

Trần Tuyền

646 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 996
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 996
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87130986