Nhiều khó khăn trong quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ 

(QTO) - Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và PTNT, mặc dù lực lượng chức năng đã có nhiều nỗ lực nhưng tình trạng xâm hại rừng vẫn còn xảy ra tại lâm phận của các ban quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ trên địa bàn.

Lực lượng chức năng kiểm đếm số gỗ tịch thu được từ một vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp - Ảnh: Q.H

                  

Từ đầu năm 2020 đến nay, tại lâm phận của các ban quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ trên địa bàn, các đơn vị trực thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã bắt giữ và phối hợp với các đơn vị liên quan bắt giữ 24 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp. Qua đó, lực lượng chức năng xử phạt hành chính 12 vụ. Tổng số lâm sản bị tịch thu của các vụ việc kể trên là 23,397 m3 gỗ quy tròn.

 

Đáng chú ý là số vụ phá rừng trái phép diễn ra trong phạm vi quản lý của các ban quản lý rừng trên địa bàn vẫn còn nhiều. Từ đầu năm đến nay, có 8 vụ phá rừng trái phép đã phát sinh với diện tích rừng bị phá lên đến 3,2078 ha. Cụ thể, tại Ban Quản lý Rừng phòng hộ lưu vực sông Bến Hải xảy ra 3 vụ phá rừng trái phép với diện tích rừng bị phá 0,91 ha, hiện đang điều tra, xác minh đối tượng. Lực lượng chức năng đã xử lý 1 vụ phá rừng tại Ban Quản lý Rừng phòng hộ lưu vực Hướng Hóa – Đakrông và xử phạt hành chính 125 triệu đồng.

 

Ở khu vực rừng do Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Đakrông quản lý có 3 vụ phá rừng được phát hiện, đã xử phạt vi phạm hành chính 103 triệu đồng. Tại khu vực rừng do Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa quản lý, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã chỉ đạo Hạt Kiểm lâm Hướng Hóa cử cán bộ xác minh 1 vụ phá rừng mới xảy ra với diện tích rừng bị phá hơn 1,1 ha.

 

Mặc dù UBND tỉnh đã phê duyệt phương án quản lý rừng bền vững cho các ban quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ trên địa bàn nhưng việc triển khai, thực hiện các chương trình, dự án gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn đầu tư hoặc vốn đầu tư quá thấp.

 

 Hiện nay, các ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng đều đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, việc xung đột giữa các hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số với các ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng vẫn còn xảy ra, gây khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của các đơn vị.

 

Một thực tế khác là khoảng cách giữa các mốc ranh giới ngoài thực địa của các ban quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng quá xa nhau; số lượng mốc ranh giới được cắm còn ít, trong khi ranh giới của các đơn vị quá lớn. Vì vậy, việc xác định ranh giới ngoài thực địa gặp khó khăn.

 

Do không nhận biết rõ, một số hộ dân đã vi phạm quy định về bảo vệ rừng phòng hộ, rừng đặc dụng. Cá biệt có một số trường hợp đã biết nhưng vẫn cố tình lấn chiếm đất của các ban quản lý rừng.

 

Q.H

731 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 787
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 787
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 78257886