|
Nhờ được bảo vệ, các tập đoàn san hô dưới đáy biển phát triển tốt
|
Sở đã chỉ đạo Chi cục Thủy sản tiến hành thả cá tại các thủy vực tự nhiên trên địa bàn. Từ năm 2017 đến nay, có hơn 40.000 con cá rô phi, mè, trắm, chép đã được thả với tổng số tiền hơn 67 triệu đồng. Được sự chỉ đạo của Sở, Ban Quản lý Khu Bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ phối hợp với Viện Nghiên cứu hải sản triển khai đề tài khoa học nghiên cứu, thử nghiệm nuôi cấy san hô, phục hồi nguồn lợi biển. Cán bộ, nhân viên hai đơn vị đã trồng mới 360 tập đoàn san hô cứng tại Bến Nghè với tỉ lệ sống đạt 71,1%. Đến nay, một số tập đoàn san hô đã phủ nền đáy khoảng 1-2/10m2.
Hiện tại, Ban Quản lý Khu Bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ đã khoanh vùng bảo vệ rạn san hô được trồng mới bằng hệ thống phao dấu; định kỳ tiến hành lặn kiểm tra sức sống, độ phủ; làm tốt công tác tuần tra, kiểm soát để bảo vệ rạn san hô này. Ban Quản lý Khu Bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ còn tích cực phối hợp với các lực lượng: Thanh tra Chi cục Thủy sản, Bộ đội Biên phòng… tiến hành tuần tra, kiểm soát, bảo vệ bãi đẻ cho các loài thủy sản.
Bên cạnh đó, để ngăn chặn sự suy giảm nguồn lợi thủy sản, Sở Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo Chi cục Thủy sản có văn bản hướng dẫn cụ thể thông tin về mùa vụ, đối tượng và ngư cụ khai thác thủy sản gửi các địa phương như: Các hoạt động khai thác thủy sản bị cấm; các nghề và loại tàu bị cấm khai thác trong một số vùng; thông báo về các vùng cấm, đối tượng cấm và mùa vụ cấm khai thác thủy sản…
Đồng thời, ngư dân cũng được thông tin cụ thể về các chính sách phát triển tàu cá như: Ưu tiên phát triển các tàu cá nghề lưới vây, lưới rê, lưới chụp, nghề câu và dịch vụ hậu cần; khuyến khích các tàu làm nghề lưới kéo (giã cào) chuyển đổi sang các nghề ưu tiên phát triển; tạm dừng đóng mới tàu cá làm nghề lưới kéo (giã cào); phối hợp với các ngành, địa phương và nhân dân trong việc thông tin kiểm soát hoạt động khai thác và bảo vệ các loài thủy sản quý hiếm…
Q.H