Nhiều diện tích tiêu tại huyện Hướng Hóa bị thiệt hại do sâu bệnh 

(QT) - Từ vài tháng nay, nhiều diện tích trồng tiêu trên địa bàn huyện Hướng Hóa bị bệnh và chết cây trên diện rộng, gây thiệt hại cho người nông dân và ảnh hưởng đến chất lượng tiêu trên địa bàn.

Khoảng 20 ha tiêu tại Hướng Hóa bị nhiễm sâu bệnh

 

Những ngày này, ông Lê Kim Phước (50 tuổi) ở thôn Hướng Hải, xã Hướng Phùng đứng ngồi không yên bởi hơn 100 gốc tiêu của gia đình bị bệnh và chết. “Nhà tôi trồng tiêu từ những năm 2006-2008, đến nay có hơn 1 ha tiêu đều đã cho thu hoạch, trung bình mỗi năm thu được khoảng 8-9 tạ tiêu thành phẩm. Từ tháng 7 dương lịch đến nay, tôi phát hiện nhiều cây tiêu trong vườn bị vàng lá, héo lá, đốm lá rồi chết hàng loạt, đến nay đã có trên 100 gốc tiêu bị bệnh và chết. Tôi đã dùng nhiều cách nhưng vẫn chưa chữa được bệnh cho cây”, ông Phước ngao ngán nói.

 

Anh Hồ Văn Miên, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Hướng Phùng cho hay, toàn xã có 27 ha tiêu được trồng ở 6 thôn, trong đó có khoảng 10 ha bị bệnh chết, tập trung nhiều ở thôn Hướng Hải, những thôn khác bị rải rác. Hơn 3 tháng nay, người dân phát hiện nhiều vườn tiêu bị bệnh chết với biểu hiện cây bị vàng lá, đốm lá, rụng lá, héo thân, thối rễ…

 

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Xuân Thế, Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Hướng Hóa cho biết, toàn huyện có khoảng 210 ha tiêu, được trồng ở các xã Tân Liên, Tân Lập, Tân Hợp, Hướng Hiệp, Hướng Phùng… Diện tích tiêu bị bệnh khoảng 20 ha, tập trung ở thôn Hướng Hải, xã Hướng Phùng và ở một số xã khác. “Sau khi nhận được thông tin từ người dân, chúng tôi đã về tận nơi để kiểm tra và nhận định cây tiêu bị nhiễm các bệnh như tuyến trùng, rệp sáp, đốm lá… dẫn đến cây bị chết. Đây là những bệnh thông thường hằng năm. Nguyên nhân là vì thời tiết khô hạn, thiếu nguồn nước tưới, người dân chưa tuân thủ quy trình kỹ thuật chăm sóc và xử lý dịch bệnh trên cây tiêu nên bệnh dễ bùng phát thành dịch”, ông Thế nói.

 

Để xử lý bệnh trên cây tiêu, ông Thế khuyến cáo đối với diện tích tiêu chưa bị bệnh, người dân cần tăng cường phòng trừ sâu bệnh, bón phân, tưới nước đầy đủ cho cây. Đối với diện tích đã bị bệnh, người dân cần kiên trì xử lý theo quy trình được cán bộ nông nghiệp hướng dẫn bằng các loại thuốc đã được chỉ định đến khi bệnh được khống chế.

 

Trần Tuyền

364 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 702
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 702
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 78273331