Nhiều địa phương chưa có biện pháp xử lý bao bì, gói thuốc bảo vệ thực vật hiệu quả 

(QT) - Theo thống kê từ Sở Nông nghiệp&PTNT, hàng năm, số lượng thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng trên đồng ruộng tại các địa phương trong tỉnh khoảng 2-3 lít (kg)/ha.

Người sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phải có trách nhiệm với bao, gói thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng

 

Với tổng diện tích đất nông nghiệp hơn 1.100 ha, ước số lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng hàng năm trên địa bàn khoảng hơn 200 tấn. Như vậy, mỗi năm, nông dân trong tỉnh thải ra môi trường lượng bao bì, gói thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng khá lớn.

 

Tuy nhiên, hiện nay, nhiều địa phương trong tỉnh vẫn chưa có biện pháp tổ chức, thu gom và xử lý bao, gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng một cách hữu hiệu. Bao bì, gói thuốc bảo vệ thực vật vẫn còn vứt bừa bãi trên ruộng đồng. Tại một số địa phương, các bể chứa bao bì, gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng đã được xây dựng, đưa vào sử dụng.

 

Tuy nhiên, cấu tạo bể chứa chưa đảm bảo tiêu chuẩn, đơn cử như không có nắp đậy để che mưa và không có đáy bê tông chống thuốc bảo vệ thực vật thẩm thấu ra môi trường. Mặt khác, do số lượng bể chứa chưa đáp ứng yêu cầu, đặt ở vị trí thiếu thuận tiện nên người sử dụng thường vứt bỏ bao bì, gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng ngay tại nơi pha thuốc.

 

 Một thực tế khác là một số địa phương đã triển khai việc xử lý bao bì, gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng nhưng không thực hiện đúng quy định tại Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT ngày 30/6/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về quản lý chất thải nguy hại, chủ yếu là chôn lấp hoặc đốt lẫn với rác thải sinh hoạt. Điều này đã phần nào gây ô nhiễm môi trường, làm ảnh hưởng đến sức khoẻ cộng đồng.

 

Trước tình hình ấy, Sở Nông nghiệp&PTNT vừa có văn bản hướng dẫn việc thu gom, vận chuyển và xử lý bao bì, gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng. Theo đó, bao bì, gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng phải được thu gom về các bể chứa. Bể chứa phải đảm bảo nhiều yêu cầu như: Đặt ở vị trí thích hợp; làm bằng vật liệu bền chắc, có khả năng chống ăn mòn, không bị rò rỉ, không phản ứng hoá học với chất thải bên trong; có hình ống hoặc hình khối chữ nhập, phù hợp với địa điểm đặt bể chứa, thuận tiện cho việc di chuyển; bên ngoài có ghi chữ và biểu tượng cảnh báo nguy hiểm…

 

Bao bì, gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng được thu gom vào các bể chứa để vận chuyển đi xử lý. Trường hợp cần thiết có thể xây dựng khu vực lưu chứa bao bì, gói thuốc bảo vệ thực vật từ các bể chứa để vận chuyển đi xử lý một cách hiệu quả. Bao bì, gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng lưu ở bể chứa hoặc khu vực lưu chứa phải được di chuyển đi trong vòng 12 tháng và được chuyển giao cho đơn vị có chức năng, năng lực phối hợp để xử lý theo quy định về quản lý chất thải nguy hại…

 

Sở Nông nghiệp&PTNT cũng đã quy trách nhiệm của UBND các cấp; người sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và doanh nghiệp đầu tư trực tiếp sản xuất cây trồng nông, lâm nghiệp có phát sinh bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng; tổ chức, cá nhân thu gom, vận chuyển, xử lí bao, gói thuốc bảo vệ thực vật…

 

Q.H

703 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1221
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1221
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87177943