|
Đoàn công tác của UBND tỉnh kiểm tra tại điểm trường Làng Cát của Trường Tiểu học số 1 Đakrông, huyện Đakrông- Ảnh: ĐV
|
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tặng quà cho cán bộ, giáo viên Trường Mầm non Húc, huyện Hướng Hóa- Ảnh: ĐV
|
|
|
Tại huyện Hướng Hóa, đoàn đã khảo sát thực tế tại điểm trường Pa Nho của Trường Tiểu học số 1 Khe Sanh; Trường Phổ thông Dân tộc bán trú - Trung học cơ sở Húc.
Sau đợt mưa lũ và bão số 9 vừa qua đã gây thiệt hại về cơ sở vật chất của các trường học trên địa bàn huyện khá lớn. Một số điểm trường bị thiệt hại nặng nề, làm ảnh hưởng đến kế hoạch dạy học của nhà trường và học tập của học sinh. Tính đến thời điểm hiện tại, tổng thiệt hại của ngành GD&ĐT huyện thống kê ước tính trên 23 tỉ đồng. Đến ngày 4/11/2020, đa số các trường trên địa bàn huyện đã tổ chức dạy học trở lại.
Tuy nhiên, vẫn còn tới 11 trường, điểm trường chưa thể cho học sinh đi học do bị bùn đất lấp trường (xã Hướng Việt); đường sá bị sạt lở, chia cắt, nước suối cao không an toàn (xã Hướng Lập, xã Húc). Để khắc phục, sửa chữa cho các trường bị thiệt hại nặng sớm trở lại tổ chức dạy học, Phòng GD&ĐT huyện đề xuất UBND tỉnh và UBND huyện huy động phương tiện, thiết bị, máy móc để dọn dẹp bùn đất trong và ngoài khuôn viên trường học; huy động lực lượng quân đội và thanh niên tình nguyện để dọn dẹp vệ sinh môi trường khu vực trong và ngoài nhà trường; khắc phục các điểm sạt lở, cắt đường, cầu cống bị trôi ở các địa bàn để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh khi đến trường...
Đầu tư kinh phí để xây dựng mới các phòng học, tường rào bị sập, trang thiết bị dạy và học bị hư hỏng, xuống cấp do mưa lũ tại Trường Mầm non Hướng Việt, Tiểu học và Trung học cơ sở Hướng Việt, điểm trường Pa Nho của Trường Tiểu học số 1 Khe Sanh; Nhà nội trú học sinh Trường Phổ thông Dân tộc bán trú - Trung học cơ sở Húc. Kiến nghị Sở GD&ĐT chỉ đạo về việc bù chương trình cho học sinh nghỉ dài ngày do lũ lụt; hỗ trợ các trường học về trang thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi hư hỏng do bão lũ…
Tại huyện Đakrông, ngành giáo dục huyện đã chủ động khắc phục hậu quả, dọn dẹp trường lớp và đến nay cơ bản đã tổ chức dạy học trở lại cho học sinh. Tuy nhiên, một số trường học trên địa bàn cũng bị thiệt hại khá lớn về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học, sách, vở của học sinh. Đoàn công tác cũng đã khảo sát tại điểm trường Làng Cát của Trường Tiểu học số 2 Đakrông.
Làm việc với đại diện các sở, ngành và ngành giáo dục các địa phương sau chuyến khảo sát, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam đề nghị ngành giao thông và các đơn vị phối hợp đảm bảo nguồn xe, máy, lực lượng tiếp tục khẩn trương thông đường, hỗ trợ công tác khắc phục hậu quả bão lũ, trong đó đặc biệt ưu tiên các trường học, trạm y tế, đường giao thông công cộng ở các xã Hướng Việt, Hướng Lập, Húc.
Với điểm trường Pa Nho, huyện Hướng Hóa cần bố trí quỹ đất sẵn sàng để sắp tới khi có nguồn lực thì sẽ triển khai xây dựng. Đối với khu bán trú của Trường Phổ thông Dân tộc bán trú - Trung học cơ sở Húc, yêu cầu triển khai phương án gạt đất, kè đá gia cố phía sau để đảm bảo an toàn nơi ở cho học sinh khi trở lại trường.
Đối với một số điểm trường xuống cấp, hư hỏng nặng do mưa bão ở huyện Đakrông, đến nay cơ bản đã có địa chỉ hỗ trợ kinh phí, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị địa phương, ngành giáo dục rà soát lại cụ thể để triển khai khi có nguồn lực. Đồng thời tranh thủ thêm các nguồn lực vận động được để lồng ghép triển khai sửa chữa trường lớp, mua sắm trang thiết bị dạy học…
Đề nghị các huyện Hướng Hóa và Đakrông sử dụng các nguồn lực được hỗ trợ từ trung ương, tỉnh, huyện cũng như được tài trợ, xã hội hóa để hỗ trợ Nhân dân đúng địa chỉ, từng bước khôi phục sản xuất, tái thiết cuộc sống và sớm đưa mọi hoạt động đời sống trở lại bình thường.
Đức Việt