|
Trồng rau sạch mang lại nguồn thu nhập khá cho nhiều người dân ở Tân Liên. Ảnh: KKS
|
Anh Nguyễn Công Văn ở thôn Tân Tiến là một trong những người đi đầu trồng tiêu, ươm tiêu giống và được xã chọn làm điểm mô hình phát triển kinh tế để nhân rộng. Tuy nhiên, cùng chung tình trạng với nhiều nông dân địa phương khó khăn về đầu ra sản phẩm cũng như vườn tiêu già cỗi, bị sâu bệnh gây hại, 2 năm nay thực hiện lấy ngắn nuôi dài, anh quyết định chuyển đổi 3 sào/2 ha tiêu để trồng mướp ngọt, cà tím và bí đao. Để mô hình này triển khai hiệu quả, trước đó anh tích cực tìm hiểu giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch các loại rau, củ, quả sạch; cải tạo đất, khảo sát nguồn nước, đào giếng khoan để có nước tưới thường xuyên; tìm hiểu thị trường tiêu thụ sản phẩm... Nhờ chất đất và khí hậu ở Tân Liên phù hợp, trồng và chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, chủ động nguồn nước tưới, đầu tư hệ thống tưới hiện đại, sử dụng phân bón hữu cơ… nên chỉ sau một thời gian ngắn triển khai, mô hình rau sạch của anh phát triển tốt. Ngoài ra, anh trồng thêm 200 gốc chanh và 200 trụ thanh long ruột đỏ, bước đầu đã cho thu hoạch. Các sản phẩm của anh được tiêu thụ ổn định, chủ yếu cung cấp cho các cửa hàng rau củ quả ở chợ Tân Liên và chợ Khe Sanh. Anh Văn cho biết: “Trong thời gian cây tiêu bị mất giá, tôi đã chuyển một phần diện tích tiêu bị già cỗi và sâu bệnh cho năng suất, chất lượng thấp để xây dựng mô hình rau sạch. Mô hình này giúp cho gia đình tôi có thu nhập khá đều quanh năm, không còn cảnh trông chờ nguồn thu duy nhất từ cây tiêu như trước đây. Thời gian tới, tôi tiếp tục duy trì vườn tiêu, nhân rộng vườn rau sạch để phát triển kinh tế gia đình”.
Cũng như anh Văn, 2 năm nay chị Phạm Thị Hương ở thôn Tân Hào xây dựng mô hình rau sạch. Với diện tích hơn 3 sào, chị quy hoạch thành các nhóm rau, củ riêng theo vụ như rau cải các loại, xà lách, dền, bí đao, cà tím, ném, hành... Để đảm bảo nguồn nước tưới, chị đầu tư giếng khoan và dẫn nước từ ao, hồ gần nhà về, đầu tư hệ thống tưới tự động. Bên cạnh đó, xây dựng nhà giàn để tránh thiệt hại hoa màu do nắng hạn cũng như mưa đá. Nhờ đầu tư chăm bón nên vườn rau của chị cho thu hoạch quanh năm, giúp có thêm thu nhập đảm bảo sinh hoạt của gia đình. Chị Hương cho biết: “Quá trình sản xuất tôi tuyệt đối không sử dụng hóa chất, vì vậy nhiều người tin tưởng tìm đến tận vườn đặt mua rau quả về dùng. Đặc biệt, rau của gia đình tôi cung cấp chủ yếu cho các trường học trên địa bàn nên đầu ra ổn định. Nhờ trồng rau, bình quân mỗi ngày gia đình tôi thu nhập từ 200 - 300 nghìn đồng”.
Hiện nay, diện tích hoa màu các loại trên địa bàn xã Tân Liên đạt gần 30 ha, trong đó có trên 9 ha là đất chuyển đổi từ cà phê và hồ tiêu. Các thôn có diện tích rau củ quả nhiều và thường xuyên là Tân Hào, Tân Hòa, Hiệp Hòa... Các loại rau củ quả được người dân lựa chọn trồng rất đa dạng, phù hợp theo từng vụ mùa, như rau cải, xà lách, dền, cà tím, cà chua, bí đao, bí đỏ, dưa leo, dưa gang…và các loại cây gia vị khác. Để đảm bảo điều kiện cho rau màu phát triển quanh năm, các hộ gia đình rất chú trọng đến việc quy hoạch vườn, đầu tư hệ thống nước tưới, nhà giàn, mái che và nguồn phân bón đảm bảo. Hệ thống nước tưới cho rau màu chủ yếu được dẫn từ nguồn đập, khe, suối và nước giếng khoan nên đảm bảo nước tưới quanh năm, kể cả mùa hè. Tiêu chí được người dân lựa chọn hàng đầu đó là nguồn rau quả phải đảm bảo chất lượng, không sử dụng hóa chất nên đầu ra của sản phẩm luôn đảm bảo. Phần lớn rau củ quả sau khi thu hoạch được bán tại chợ Tân Liên, các trường học bán trú, một phần nhập sĩ cho các thương lái tiêu thụ các xã, thị trấn trong toàn huyện. Nhờ chất lượng đảm bảo nên đầu ra của rau sạch Tân Liên luôn ổn định, đem lại nguồn thu nhập khá cho người trồng rau màu nơi đây.
Chị Trần Thị Thanh Thúy, cán bộ phụ trách nông nghiệp xã Tân Liên cho biết: “Thời gian qua, thực hiện chủ trương chuyển đổi cây trồng của huyện, xã Tân Liên đã tăng cường tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi những loại cây trồng kém hiệu quả sang những loại cây trồng khác, phù hợp và mang lại giá trị kinh tế cao hơn, trong đó khuyến khích lựa chọn mô hình rau sạch. Nhờ vậy, trung bình mỗi năm xã chuyển đổi cây trồng được hơn 2 ha. Với mô hình rau sạch, chúng tôi khuyến khích người dân đầu tư trồng rau công nghệ cao vừa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vừa tiết kiệm chi phí đầu tư chăm sóc, đồng thời nâng cao thu nhập gấp 3 - 4 lần trên cùng một diện tích. Vì điều kiện còn khó khăn nên hiện nhiều hộ dân mong muốn có sự đầu tư của các chương trình dự án, hỗ trợ xây dựng mô hình rau sạch bài bản, có quy mô, cho thu nhập cao”.
Kô Kăn Sương