Ảnh minh họa: Bích Liên
Đề tài do PGS.TS Mai Văn Trịnh, Viện Môi trường Nông nghiệp, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ nhiệm, được triển khai từ năm 2017 và dự kiến hoàn thiện vào năm 2020.
Đến nay, đề tài đã hoàn thành 42 báo cáo, 720 phiếu điều tra và xây dựng 02 mẫu phiếu điều tra khảo sát thuộc 02 nội dung.
Đề tài đã tổng quan được tình hình nghiên cứu về phát thải KNK trong canh tác lúa nước; tổng quan các nghiên cứu về phát thải KNK trong canh tác một số giống cây trồng cạn trong nước và trên thế giới như cây ngô, cây chè, cây sắn, cây cà phê, cây cao su; thu thập/điều tra dữ liệu phi không gian: số liệu các trạm khí hậu, các kỹ thuật canh tác lúa và một số cây trồng cạn tại các vùng sinh thái; đưa ra được hiện trạng sử dụng hệ số phát thải KNK cho cây lúa và một số cây trồng trên cạn.
Đặc biệt, đề tài đã tiến hành điều tra về hiện trạng các biện pháp canh tác lúa tại 6 tỉnh An Giang, Sóc Trăng, Nghệ An, Quảng Nam, Hà Nội, Thái Bình. Điều tra hiện trạng các biện pháp canh tác các cây trồng cạn tại 6 tỉnh Thanh Hóa, Tây Ninh, Lâm Đồng, Phú Thọ, Đak Lak, Nghệ An.
Trong giai đoạn hiện tại, đề tài đang triển khai 15 điểm quan trắc đo khí và lấy mẫu khí trên cây lúa tại 4 vùng sinh thái trên các loại đất khác nhau (đất phù sa; đất xám; đất phèn; đất cát biển) với tần suất 8 lần/vụ. Tiến hành đo và phân tích 2.350 mẫu khí cho vụ xuân 2018 (bao gồm 2 chỉ tiêu: CH4 và N2O).
Theo đánh giá của Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, phát thải khí nhà kính (KNK), bao gồm các khí CO2, CH4, N2O, HFCs, PFCs và CS6, trong đó chủ yếu là CO2 được coi là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến biến đổi khí hậu (BĐKH) toàn cầu. Nguồn gây phát thải KNK chủ yếu là do đốt cháy nguyên liệu hóa thạch (xăng, dầu, ..), khai thác khoáng sản và thay đổi sử dụng đất (chuyển đổi rừng sang các mục đích phi lâm nghiệp). Trong các nguồn gây phát thải thì việc phá rừng nhiệt đới và thay đổi sử dụng đất trong lâm nghiệp đóng góp tới 20% tổng phát thải KNK.
Nhằm hạn chế BĐKH, Công ước khung của Liên hiệp Quốc về Biến đổi khí hậu (UNFCCC) đã được thông qua vào năm 1994. Mục tiêu của Công ước này là nhằm cắt giảm phát thải KNK và tiến tới ngăn ngừa BĐKH. Để thực hiện được Công ước này, một trong những yêu cầu đối với tất cả các nước tham gia vào UNFCCC và Nghị định thư Kyoto là phải tiến hành kiểm kê KNK ở cấp độ Quốc gia. Các lĩnh vực kiểm kê KNK bao gồm: Năng lượng, quá trình công nghiệp, nông nghiệp, that đổi sử dụng đất và lâm nghịêp và quản lý chất thải.
Theo đó, đến nay Việt Nam đã tiến hành 2 lần kiểm kê KNK, lần thứ nhất là kiểm kê KNK cho năm 1994 và lần kiểm kê thứ 2 cho năm 2000. Việc thực hiện kiểm kê KNK được thực hiện theo phương pháp quốc tế. Tuy nhiên trong lâm nghiệp, phương pháp của quốc tế chưa mang tính chi tiết và chưa hù hợp với Việt Nam. Do vậy, việc nghiên cứu hoàn thiện phương pháp kiểm kê KNK trong lâm nghiệp được đặt ra nhằm giải quyết thiếu hụt nêu trên.
Với ý nghĩa và tầm quan trọng của việc giảm phát thải KNK như trên, các chuyên gia nông nghiệp cho rằng, đề tài “Nghiên cứu xây dựng hệ số phát thải khí nhà kính quốc gia cho lúa và các loại cây trồng cạn chủ yếu phục vụ kiểm kê khí nhà kính (KNK) và xây dựng các giải pháp giảm nhẹ phát thải KNK của ngành nông nghiệp” của PGS.TS Mai Văn Trịnh được thực hiện góp phần thống nhất hoá toàn bộ hoạt động quản lý và kỹ thuật trong hệ thống quan trắc và kiểm kê khí nhà kính, nhằm xây dựng được “Hệ thống cơ sở đặc thù cho kiểm kê khí nhà kính và phát triển hệ số phát thải Quốc gia cho lĩnh vực trồng trọt”./.
Khánh Thi