Ngày Vì nạn nhân chất độc da cam (10/8) Hết lòng vì nạn nhân chất độc da cam 

(Chinhphu.vn) - Ngoài các chủ trương, chính sách giải quyết hậu quả chất độc da cam/dioxin, hằng năm Đảng và Nhà nước ta đều dành hơn 10.000 tỷ đồng để trợ cấp, chăm sóc sức khỏe, hồi phục chức năng cho nạn nhân, hỗ trợ những vùng đặc biệt khó khăn do bị ảnh hưởng nặng nề của chất độc này.
Đi bộ gây Quỹ Vì nạn nhân chất độc da cam và người khuyết tật nghèo. Ảnh: Báo SGGP
Các tỉnh, thành phố, bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, cá nhân cũng thực hiện nhiều hoạt động để sẻ chia khó khăn đối với các gia đình nạn nhân chất độc da cam.

Theo thống kê của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Hà Nội, Thành phố hiện có hơn 50.000 người bị nhiễm và phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin. Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin đã mở rộng mạng lưới đến 100% quận, huyện, thị xã và hơn 50% số xã, phường, thị trấn, thu hút hơn 20.000 người tham gia.

Những năm qua, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Hà Nội và các cấp hội vận động được hàng chục tỷ đồng, tổ chức thăm hỏi, tặng quà, giúp đỡ hàng chục nghìn lượt nạn nhân chất độc da cam.

Bà Trần Thị Phương Dung, Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Hà Nội cho biết, nguồn lực vật chất để hỗ trợ, giúp đỡ nạn nhân da cam hiện chưa đáp ứng được nhu cầu. Các cấp hội cần phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể tăng cường tuyên truyền, vận động giúp các tầng lớp nhân dân hiểu rõ hơn về hậu quả nặng nề của chất độc da cam đối với sức khỏe con người, môi trường sinh thái, từ đó cùng chung tay xoa dịu nỗi đau da cam.

“Hãy chung tay xoa dịu nỗi đau da cam - đó là thông điệp mà các cấp hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin ở Việt Nam muốn chuyển đến các tổ chức, cá nhân và cộng đồng xã hội", bà Trần Thị Phương Dung nói.

Hội Chữ thập đỏ TPHCM vừa phối hợp nhiều đơn vị tổ chức cuộc đi bộ gây Quỹ Vì nạn nhân chất độc da cam và người khuyết tật nghèo lần thứ 11. Thông điệp của chương trình là: “Xin đừng quên họ - Dù bạn có là ai, bạn có chỗ đứng như thế nào trong xã hội, sự đóng góp của bạn với nạn nhân chất độc da cam và người khuyết tật nghèo đem lại cho họ niềm tin lớn hơn trong cuộc sống!”.

Chương trình đi bộ gây Quỹ Vì nạn nhân chất độc da cam và người khuyết tật nghèo là hoạt động thường niên do Hội Chữ thập đỏ TPHCM tổ chức từ năm 2002.

Từ năm 2011 đến năm 2016, tổng giá trị vận động chăm lo, hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam của Hội Chữ thập đỏ TPHCM đạt 13,6 tỷ đồng thông qua các hoạt động tuyên truyền và gây quỹ. Riêng năm 2016, thông qua tổ chức chương trình đi bộ Vì nạn nhân chất độc da cam và người khuyết tật nghèo, Thành Hội và hội chữ thập đỏ các quận, huyện đã trợ giúp 2.843 lượt nạn nhân chất độc da cam bằng các hình thức như hỗ trợ tiền, quà lễ tết, xe lăn, bò giống, sửa chữa nhà,… với tổng trị giá 1,3 tỷ đồng.

Thành phố Đà Nẵng vừa tổ chức mít tinh và đi bộ đồng hành vì nạn nhân chất độc da cam với khoảng 3.000 người, trong đó có nhiều nạn nhân của chất độc này và gia đình của họ.

Trong 10 năm qua, với sự quan tâm giúp sức của toàn xã hội, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Đà Nẵng đã vận động được 100 tỷ đồng, qua đó góp phần cải thiện cuộc sống của hàng ngàn nạn nhân chất độc da cam.

 

Hướng dẫn các nạn nhân chất độc da cam học may. Ảnh: TTXVN

Là tỉnh có nhiều nạn nhân chất độc da cam, Thừa Thiên-Huế đã triển khai nhiều dự án, chương trình, hoạt động nhằm hỗ trợ sinh kế cho các các nạn nhân và thân nhân của họ vươn lên hòa nhập cộng đồng, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

Ngoài chương trình chăn nuôi bò, lợn ở huyện A Lưới – huyện có tới 5.000 nạn nhân chất độc da cam, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Thừa Thiên-Huế còn huy động và triển khai nhiều dự án để cải thiện sinh kế, môi trường, chăm sóc sức khỏe người dân như: Dự án chăn nuôi gà thả vườn ở thị xã Hương Trà; dự án nước sạch ở xã Đông Sơn, huyện A Lưới do nhóm Đối thoại Việt-Mỹ tài trợ; dự án trồng cây bồ kết xung quanh sân bay A So, huyện A Lưới để ngăn chặn người và gia súc vào vùng đất bị nhiễm chất độc da cam; dự án cây trầm dó phủ xanh đất trống đồi trọc nhằm giải độc da cam cho các xã gần sân bay A So; dự án chăm sóc sức khỏe cải thiện môi sống tại xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền...  

Bên cạnh đó, các cấp hội cũng đã huy động khoảng 4 tỷ đồng để hỗ trợ xây nhà, trợ cấp khó khăn, khắc phục bão lụt, dạy nghề, vay vốn không tính lãi, tổ chức khám chữa bệnh, trao xe lăn, xe lắc và tặng hàng nghìn suất quà cho các gia đình có người bị phơi nhiễm chất độc da cam.

Ngoài ra, tỉnh thành lập 10 trung tâm có chức năng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục đào tạo nghề cho trẻ khuyết tật, đối tượng nghi nhiễm chất độc da cam/dioxin nhằm nâng cao kỹ năng sống, đào tạo nghề, giúp đỡ hàng nghìn trẻ em khuyết tật bị nhiễm chất độc vươn lên hòa nhập cộng đồng.

Bà Đào Nguyên, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Đồng Nai, cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2017, các cấp hội nạn nhân da cam/dioxin của tỉnh đã chi hơn 3,7 tỷ đồng để chăm sóc nạn nhân trên địa bàn tỉnh.

Các nạn nhân được trợ cấp sửa nhà, xây nhà, hỗ trợ vốn sản xuất, trợ cấp học bổng, học nghề, trợ cấp thường xuyên, đột xuất khi đau ốm, qua đời. Ngoài ra, các cấp hội cũng thường xuyên thăm hỏi, động viên các gia đình nạn nhân vào các dịp lễ, Tết.

“Chúng tôi hy vọng sẽ ngày càng có nhiều cá nhân, tổ chức chung tay hỗ trợ, giúp đỡ, cùng nhau xoa dịu phần nào nỗi đau với các nạn nhân da cam, giúp họ có thêm niềm tin, động lực để vui sống”, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Đồng Nai chia sẻ.

841 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 437
    • Thành viên Thành viên 1
    • Tổng Tổng 438
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 84579101