Ngăn chặn bệnh sốt xuất huyết lây lan ở cộng đồng 

(QTO) - Thời tiết diễn biến bất thường đã tạo môi trường thuận lợi để bệnh sốt xuất huyết (SXH) xuất hiện trên địa bàn TP. Đông Hà. Trước tình hình này, các cơ quan chức năng và chính quyền các phường đang triển khai đồng bộ các giải pháp để ngăn chặn loại bệnh nguy hiểm này lây lan trong cộng đồng nhằm bảo vệ sức khỏe của người dân.

Thường xuyên thay nước bình hoa là một trong các giải pháp diệt muỗi vằn - vật trung gian truyền bệnh sốt xuất huyết - Ảnh: AQ​

 

Thông tin từ cơ quan chức năng cho biết, từ đầu năm đến đầu tháng 9/2020, trên địa bàn TP. Đông Hà ghi nhận 136 trường hợp mắc SXH, trở thành địa phương đứng thứ hai trong toàn tỉnh về số ca mắc SXH, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2019. Đã xuất hiện 22 ổ bệnh tại 7/9 phường và 3 điểm nguy cơ trên địa bàn 3 phường. Các phường có số ca mắc bệnh cao là Phường 1 với 38 trường hợp, Phường 5 là 37 trường hợp, phường Đông Lương 21 trường hợp…

 

Bác sĩ Hoàng Thị Tuyết Nhung, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế TP. Đông Hà cho biết: “SXH là bệnh nhiễm trùng cấp do siêu vi Dengue gây ra, muỗi vằn là vật trung gian truyền bệnh, muỗi thường sống ở những nơi bùn lầy, nước đọng xung quanh nhà ở, hoặc những nơi ẩm thấp, bụi rậm. Ở Đông Hà, qua giám sát y tế cho thấy, muỗi vằn thường phát sinh ở các xô, chậu, chum, vại không thường xuyên sử dụng có chứa nước hay bình hoa, bể cây cảnh, hệ thống thoát nước ở các hộ dân, cùng với đó là tình trạng nhiều lốp xe hỏng của các cơ sở sửa chữa ô tô, xe máy vứt bừa bãi, tạo môi trường thuận lợi cho muỗi, bọ gậy sinh sôi nảy nở. Thực tế này cùng với việc một bộ phận người dân còn chủ quan, không thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống muỗi đốt trong sinh hoạt hằng ngày là nguyên nhân cơ bản làm gia tăng số ca mắc bệnh SXH trên địa bàn”.

 

Để khống chế, ngăn chặn bệnh SXH lây lan trong cộng đồng, Trung tâm Y tế thành phố và trạm y tế các phường đã tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về các biện pháp phòng chống bệnh trên các phương tiện thông tin đại chúng, nơi công cộng. Huy động đầy đủ nhân lực, phương tiện, trang thiết bị, hóa chất sẵn sàng đáp ứng công tác phòng chống dịch gắn với chuẩn bị các phương án thu dung, điều trị bệnh nhân. Tổ chức giám sát xác định các chỉ số muỗi, bọ gậy, tình trạng dụng cụ chứa nước trên địa bàn các phường trong từng khu vực dịch tễ, khi phát hiện chỉ số côn trùng cao thì triển khai ngay các hoạt động chủ động chống dịch, nhất là vệ sinh môi trường, phun hóa chất diệt muỗi, lật úp các dụng cụ chứa nước không cần thiết để muỗi không có nơi cư trú, sinh sản.

 

Tại Phường 5, khi phát hiện các ca bệnh đầu tiên trên địa bàn, Trạm Y tế phường đã điều động lực lượng nhân viên y tế các khu phố tổ chức huy động người dân tiến hành tổng vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, bọ gậy. Hướng dẫn các khu phố tổ chức phát các bài tuyên truyền về phòng, chống bệnh SXH trên hệ thống loa phóng thanh. Làm tốt việc điều tra các hộ ở xung quanh hộ có người mắc bệnh SXH để nắm bắt, thu thập các thông tin liên quan, giám sát chặt chẽ các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh để phát hiện sớm và xử lý hiệu quả. Ông Nguyễn Văn Hải, người dân ở Khu phố 5, Phường 5 cho biết: “Ban cán sự khu phố đã tổ chức thông tin trên hệ thống loa phóng thanh về bệnh SXH và cách phòng, chống, đặc biệt là các biện pháp diệt lăng quăng, bọ gậy và phải nằm trong màn khi ngủ bất kể ngày hay đêm. Cách thức tuyên truyền như vậy là có sức lan tỏa cao và rất hiệu quả bởi tôi thấy khá nhiều người còn chủ quan, thiếu thông tin về tác hại của bệnh SXH cũng như cách phòng, chống. Tuy nhiên, tôi vẫn còn băn khoăn là có hộ dân vẫn còn lơ là, chủ quan trong phòng chống bệnh, thậm chí có trường hợp không hợp tác với cán bộ y tế, chính quyền, nhiều nhà đóng cửa suốt ngày không thể tiếp cận được ”.

 

Nhằm nâng cao hiệu quả phòng, chống bệnh SXH, UBND thành phố Đông Hà cũng chỉ đạo các phường, khu phố ra quân phát động chiến dịch diệt lăng quăng, bọ gậy, duy trì tổ chức vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, bọ gậy tại các khu dân cư. Các khu phố thường xuyên tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh 2 lần/ngày trong thời gian dịch bệnh tăng cao; hướng dẫn cho các hộ gia đình thực hiện tiêu diệt lăng quăng, bọ gậy trong các dụng cụ chứa nước và biết cách loại bỏ nơi sinh sản của muỗi. Đồng thời chỉ đạo các ngành chức năng, UBND các phường có biện pháp xử lý đối với các hộ gia đình, cơ quan có hành vi cản trở, không chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch bệnh SXH. Ngành Y tế tăng cường giám sát, nắm chắc các ổ dịch SXH hiện có và phát sinh, tổ chức phun hóa chất diệt muỗi trên diện rộng tại các khu vực có nguy cơ cao và phun hóa chất triệt để khi phát hiện các ổ dịch, không để dịch bùng phát lây lan trên diện rộng.

 

Biểu hiện chủ yếu của bệnh SXH là xuất huyết ngoài da, niêm mạc, trụy tim mạch và dễ dẫn đến tử vong nếu điều trị không kịp thời và đúng cách. SXH xảy ra quanh năm và có thể bùng phát thành dịch gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của cộng đồng. Khi thấy các triệu chứng nghi ngờ mắc SXH như sốt cao đột ngột từ 2 - 7 ngày, người mệt mỏi, đau nhức sau 2 hốc mắt, xuất hiện các nốt xuất huyết trên da thì tuyệt đối không tự mua thuốc điều trị tại nhà mà cần phải đến ngay các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời và tránh nguy cơ làm bệnh lây lan trong cộng đồng.

 

 Anh Quân

175 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1380
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1380
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76452850