Ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ. (Ảnh: Bích Liên)
Tìm hiểu về vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ.
Phóng viên (PV): Ông đánh giá thế nào về việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý trong lĩnh vực nông sản của Việt Nam hiện nay?
Ông Đinh Hữu Phí: Chỉ dẫn địa lý là một đối tượng sở hữu công nghiệp, do vậy điều kiện bảo hộ và thủ tục đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý được quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 và tại các nghị định, thông tư hướng dẫn.
Đến nay, hệ thống văn bản luật của Việt Nam về đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý đã tương đối đầy đủ. Bên cạnh đó, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương rất quan tâm đến việc xây dựng và quản lý chỉ dẫn địa lý; nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ phát triển chỉ dẫn địa lý đã được xây dựng và đưa vào triển khai trên thực tế như Chương trình “Hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ”, các Chương trình phát triển thương hiệu của Chính phủ và các Chương trình hỗ trợ phát triển đặc sản địa phương của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Việc ký kết Quy chế phối hợp về xây dựng và quản lý chỉ dẫn địa lý giữa Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương vừa diễn ra mới đây đã đánh dấu bước phát triển mới trong xây dựng, phát triển và quản lý chỉ dẫn địa lý.
Theo thống kê của Cục Sở hữu trí tuệ, tính đến ngày 31/7/2018, Việt Nam đã bảo hộ được 68 chỉ dẫn địa lý, trong đó có 62 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam và 6 chỉ dẫn địa lý của nước ngoài. Mặc dù số lượng chỉ dẫn địa lý có tăng nhưng so với các nước trên thế giới thì con số trên còn rất khiêm tốn. Hầu hết các chỉ dẫn địa lý của Việt Nam đều tập trung cho lĩnh vực nông nghiệp như nông sản, trái cây, thủy sản…, sản phẩm chế biến như: nước mắm, mắm tôm, các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp như: nón lá Huế, cói Nga Sơn, trúc sáo Cao Bằng. Trong 5 năm gần đây, số lượng chỉ dẫn địa lý của Việt Nam gia tăng nhanh nhưng Việt Nam chưa khai thác hết được tiềm năng và thế mạnh để nâng cao giá trị gia tăng của nông sản Việt.
PV: Hiện nay vẫn còn tình trạng xâm phạm chỉ dẫn địa lý, xin ông cho biết giải pháp để nâng cao quản lý chỉ dẫn địa lý?
Ông Đinh Hữu Phí: Thực tế, tại các địa phương tình trạng xâm phạm chỉ dẫn địa lý vẫn diễn ra đối với các nông sản đặc trưng vùng miền, có giá trị kinh tế cao như: vải thiều Lục Ngạn, sâm Ngọc Linh… Vì vậy, việc công nhận và cấp văn bằng chỉ dẫn địa lý rất quan trọng, nhưng quan trọng hơn là bảo hộ và phát triển bền vững chỉ dẫn địa lý được cấp.
Ở cấp độ địa phương, các cơ quan quản lý cũng chưa có sự phối hợp trong quá trình xây dựng, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý, từ khâu xây dựng hồ sơ, nộp đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý, đến quá trình xây dựng hệ thống quản lý và triển khai các hoạt động khai thác chỉ dẫn địa lý khi đã được bảo hộ.
Việc xử lý các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ về chỉ dẫn địa lý chủ yếu thuộc trách nhiệm của cơ quan thực thi sở hữu trí tuệ. Bên cạnh đó, có vai trò, trách nhiệm rất lớn của hệ thống chính trị địa phương có chỉ dẫn địa lý để bị xâm phạm.
Vì vậy, các địa phương cần nâng cao hiệu quả, tạo sự thống nhất về các chính sách và giải pháp hỗ trợ cho việc quản lý chỉ dẫn địa lý; chú trọng xây dựng kế hoạch nhằm thúc đẩy thị trường, đưa chỉ dẫn địa lý trở thành một dấu hiệu người tiêu dùng lựa chọn; đồng thời có các giải pháp như: xây dựng logo chỉ dẫn địa lý, tổ chức các sự kiện tuyên truyền để người dân hiểu rõ giá trị của chỉ dẫn địa lý… Bên cạnh đó, các địa phương cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, quản lý thị trường, xử lý các hành vi xâm phạm về sở hữu trí tuệ đối với chỉ dẫn địa lý; đẩy mạnh việc trao đổi, phối hợp với Trung ương để phát hiện các xâm phạm chỉ dẫn địa lý của địa phương, từ đó có giải pháp xử lý xâm phạm kịp thời, bảo vệ chất lượng cũng như giá trị nông sản địa phương.
PV: Việc xây dựng chỉ dẫn địa lý mang lại hiệu quả kinh tế như thế nào cho nông sản ở các địa phương, thưa ông?
Ông Đinh Hữu Phí: Chỉ dẫn địa lý đang dần chứng minh vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, góp phần mang lại giá trị gia tăng cho hàng hóa, sản phẩm sản xuất trong nước và xuất khẩu, đồng thời góp phần mở rộng thị trường xuất khẩu của Việt Nam.
Việc cấp chỉ dẫn địa lý có ý nghĩa quan trọng trên nhiều khía cạnh khác nhau, nâng cao chất lượng sản phẩm, giúp sản xuất nông sản tuân theo quy trình chặt chẽ và đảm bảo chất lượng khi truy xuất nguồn gốc và nâng cao giá trị sản phẩm. Đồng thời bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, bảo tồn sự đa dạng sinh học, góp phần thúc đẩy sự phát triển hoạt động sản xuất, thương mại.
Bên cạnh đó, tạo cho người nông dân thói quen, tác phong, nếp nghĩ sản xuất theo quy trình khoa học, gắn liền với phát triển du lịch vùng miền, nâng cao đời sống cho người dân. Điển hình, đối với cam Cao Phong, sau khi được cấp chỉ dẫn địa lý, giá sản phẩm đã tăng gấp 2-3 lần so với khi chưa cấp chỉ dẫn địa lý.
Việc xây dựng, phát triển và quản lý chỉ dẫn địa lý góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội, nhận thức của người sản xuất và tiêu dùng đối với sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý. Chỉ dẫn địa lý cũng góp phần thúc đẩy hoạt động liên kết vùng để phát triển các sản phẩm chủ lực liên tỉnh, liên vùng, nâng cao khả năng cạnh tranh, giá trị sản phẩm trên thị trường trong và ngoài nước.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Bích Liên