Nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm hại rừng 

(QTO) - Đakrông là huyện miền núi có diện tích rừng hơn 100 nghìn hecta với nguồn tài nguyên rừng phong phú và đa dạng về quần thể thực vật. Đây là nguồn tiềm năng về phát triển kinh tế và du lịch của địa phương. Tuy nhiên, những năm gần đây, tội phạm vi phạm pháp luật về rừng, xâm hại rừng diễn biến khá phức tạp gây ảnh hưởng không nhỏ đến tài nguyên thiên nhiên và môi trường sinh thái trên địa bàn.

Công an huyện Đakrông tăng cường công tác tuyên truyền bảo vệ rừng. Ảnh: DT

 

Theo số liệu thống kê, năm 2019, Công an huyện Đakrông đã phối hợp với lực lượng kiểm lâm, Viện kiểm sát nhân dân huyện tiến hành xác minh, điều tra các vụ việc liên quan đến làm rõ gần 40 điểm rừng bị xâm hại với diện tích lên đến gần 32 hecta trên địa bàn các xã Tà Long, Hướng Hiệp, Húc Nghì; tiến hành gọi hỏi hơn 40 đối tượng có liên quan; khởi tố 6 vụ án với 5 bị can về hành vi “Huỷ hoại rừng”.

 

Qua công tác điều tra cho thấy, nguyên nhân rừng bị xâm hại chủ yếu là do nhận thức pháp luật về công tác bảo vệ rừng của một bộ phận người dân trên địa bàn huyện còn hạn chế. Một số người đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô ở đây còn duy trì tập quán canh tác lạc hậu, đốt rừng làm nương rẫy. Phần lớn các đối tượng liên quan đến hành vi xâm hại rừng thuộc những hộ gia đình đã được nhận tiền hỗ trợ chi trả dịch vụ môi trường rừng và những hộ gia đình đã được Nhà nước đền bù khi có quyết định thu hồi đất để xây dựng các công trình thuỷ điện trên địa bàn. Tuy vậy, họ đã sử dụng tiền hỗ trợ không đúng mục đích, không tìm kiếm việc làm ổn định, khi hết tiền dẫn đến chặt phá rừng hoặc tiếp tay cho các hành vi phá hoại rừng.

 

Bên cạnh đó, các chủ rừng chưa phát huy hết vai trò trách nhiệm trong công tác quản lý bảo vệ rừng, thậm chí buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ của lực lượng bảo vệ rừng nên tình trạng xâm hại rừng xảy ra một thời gian dài mới được phát hiện. Lực lượng kiểm lâm và bảo vệ rừng chuyên trách còn mỏng, địa bàn quản lý rộng, ranh giới các loại rừng còn chưa rõ ràng nên hiệu quả công tác quản lý và bảo vệ rừng của các lực lượng chức năng chưa cao. Công tác phân loại cắm mốc ranh giới, phân định các loại rừng, lâm phần của các chủ rừng trên thực địa chưa rõ ràng, dẫn đến việc người dân không thể phân biệt được rừng canh tác sản xuất và rừng do Nhà nước quản lý.

 

Công tác đấu tranh với tội phạm về khai thác rừng, xâm hại rừng của các lực lượng chức năng còn gặp nhiều khó khăn. Bởi địa điểm xảy ra các vụ việc là tại những khu vực rừng núi hiểm trở; diện tích bị xâm hại lớn đòi hỏi tập trung nhiều lực lượng và phương tiện để khám nghiệm hiện trường, do vậy thường mất rất nhiều thời gian và công sức. Đa số các đối tượng vi phạm pháp luật về rừng và bảo vệ rừng đều là người dân tộc thiểu số, nhận thức về pháp luật còn hạn chế, một số đối tượng không biết tiếng phổ thông do đó trong hoạt động điều tra phải trưng cầu người phiên dịch. Một số vụ án có sự tham gia của rất nhiều đối tượng nên việc lấy lời khai gặp khó khăn, dẫn đến trong việc xác định tính chất mức độ và phân loại để xử lý đối tượng phức tạp.

 

Nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và đấu tranh có hiệu quả đối với loại tội phạm này, góp phần cùng với địa phương làm tốt công tác bảo vệ rừng trên địa bàn huyện, Công an huyện Đakrông đã tích cực tham mưu cho cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương nhiều giải pháp thiết thực. Trong đó, chú trọng phối hợp với các tổ chức, đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về bảo vệ rừng cho người dân trên địa bàn. Từ đó, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân đối với công tác bảo vệ và phát triển rừng. Tăng cường lực lượng bám sát cơ sở để tuyên truyền vận động người dân không thực hiện các hoạt động tiếp tay cho lâm tặc, phát hiện các đối tượng có dấu hiệu vi phạm. Các vụ việc vi phạm được Công an huyện tập trung lực lượng, nhanh chóng điều tra, làm rõ thủ phạm để làm nghiêm trước pháp luật.

 

Để nguồn tài nguyên rừng được bảo vệ, bên cạnh công tác phòng ngừa, đấu tranh của lực lượng Công an rất cần sự chung tay, góp sức của các cấp, các ngành. Đặc biệt, chính quyền địa phương cần quan tâm chăm lo hơn nữa đời sống của Nhân dân, rà soát cân đối và cấp bổ sung đất canh tác cho các hộ gia đình chưa có đất sản xuất, tạo việc làm và định hướng nghề nghiệp cho những người chưa có việc làm ổn định. Các chủ rừng cần phát huy vai trò trách nhiệm trong việc phân công kiểm tra, giám sát thực hiện nhiệm vụ của đội ngũ bảo vệ rừng để kịp thời phát hiện các hành vi xâm hại rừng.

 

Diệu Thuý

573 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 838
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 838
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76429115