Lễ trao Giải Báo chí quốc gia lần thứ XII-năm 2017: Vinh danh những nhà báo dấn thân, sáng tạo trong nghề nghiệp 

QĐND - Tối 21-6, tại Hà Nội diễn ra Lễ trao Giải Báo chí quốc gia (BCQG) lần thứ XII-năm 2017. Lễ trao giải được tổ chức trang trọng đúng vào dịp kỷ niệm 93 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, thu hút sự quan tâm đặc biệt của báo giới và công chúng cả nước.

Ghi nhận nỗ lực của những người làm báo

 

Đến dự Lễ trao Giải BCQG lần thứ XII-năm 2017 có các đồng chí: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Trần Đại Quang; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc; Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình; Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng; lãnh đạo các ban, bộ, ngành và đoàn thể Trung ương và TP Hà Nội; lãnh đạo các cơ quan báo chí; các tác giả đoạt giải BCQG và đông đảo người dân Thủ đô.

 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và nhiều đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến dự. Ảnh: TTXVN


Thay mặt Hội Nhà báo Việt Nam, đồng chí Thuận Hữu, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng biên tập Báo Nhân Dân, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giải BCQG đã ôn lại 93 năm truyền thống vẻ vang của Báo chí cách mạng Việt Nam và điểm lại hoạt động báo chí trong năm 2017. Đánh giá kết quả Giải BCQG lần thứ XII-năm 2017, đồng chí Thuận Hữu khẳng định: Giải BCQG lần thứ XII tiếp tục được tổ chức có chất lượng và ngày càng chuyên nghiệp. Quy trình tổ chức giải được tiến hành nghiêm túc theo điều lệ giải. Qua 2 vòng sơ khảo và chung khảo đã chọn được 145 tác phẩm tiêu biểu vào chung khảo và quyết định trao giải cho 105 tác phẩm thuộc 11 loại giải dành cho báo in, phát thanh, truyền hình, báo điện tử và ảnh báo chí; trong đó có 8 giải A, 25 giải B, 43 giải C và 29 giải khuyến khích. Số tác phẩm đoạt giải của báo chí địa phương chiếm gần 50%. Tuy chưa có những tác phẩm gây tiếng vang lớn nhưng đây là những tác phẩm tập trung phản ánh những vấn đề lớn, có tính phát hiện, tính phản biện, tính chiến đấu, tính nhân văn, có sức lan tỏa và hiệu ứng xã hội tích cực, được đầu tư bài bản. Qua đó, thấy được công sức, trí tuệ, ý thức trách nhiệm, sự dấn thân, lòng yêu nghề và cách thể hiện sáng tạo của các nhà báo. 

 

Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng trao giải A tặng các tác giả, nhóm tác giả. Ảnh: MINH TRƯỜNG

 

Phát biểu tại lễ trao giải, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình ghi nhận, đánh giá cao những công sức, cống hiến của các thế hệ nhà báo Việt Nam trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trước thách thức của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đề nghị đội ngũ những người làm báo trong thời gian tới tiếp tục tuyên truyền có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Coi trọng đúng mức việc phát hiện, biểu dương các nhân tố mới, điển hình tiên tiến. Báo chí cần phải là một lực lượng nòng cốt kịp thời phát hiện, đấu tranh phản bác chống âm mưu “diễn biến hòa bình”, phản bác các quan điểm sai trái, vu cáo, xuyên tạc tình hình đất nước ta của các thế lực thù địch nhằm chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ ta, đồng thời cảnh giác, phòng, chống, ngăn chặn nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Bên cạnh đó, cần nâng cao chất lượng tư tưởng, tính hấp dẫn của báo chí, phấn đấu hiện đại về mô hình tổ chức hoạt động, về cơ sở vật chất, kỹ thuật và công nghệ làm báo; đổi mới, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước đối với hoạt động báo chí.

 

Tại lễ trao giải, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng đã trao 8 giải A cho đại diện các nhóm tác giả và tác giả thuộc các cơ quan báo chí: Báo Nhân Dân, Báo Quân đội nhân dân, Báo Tuổi trẻ, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Báo Điện tử VietnamPlus.

 

Khẳng định sức hút giải thưởng

 

Qua 12 năm thực hiện, Giải BCQG ngày càng nhận được sự tham gia chủ động, tích cực của các cấp hội, các cơ quan báo chí và hội viên cả nước. Năm nay, hơn 1.700 tác phẩm tham dự giải. Đây là năm đầu tiên có tất cả 63/63 hội nhà báo tỉnh, thành phố gửi tác phẩm dự giải, khẳng định uy tín và sức thu hút cao của giải. Trong số các tác phẩm đoạt giải năm nay, Báo Quân đội nhân dân vinh dự có 1 tác phẩm đoạt giải A-giải xã luận, bình luận, chuyên luận (Báo in); 1 tác phẩm phóng sự ảnh “Khẩn trương khắc phục sau lũ quét” của tác giả Đinh Trọng Hải đoạt giải B-giải ảnh báo chí; loạt 5 bài: “Thúc đẩy sự tăng tốc của kinh tế tư nhân” của nhóm tác giả Đỗ Phú Thọ, Đỗ Mạnh Hưng, Trần Minh Mạnh đoạt giải Khuyến khích-giải tin, bài phản ánh, phỏng vấn (Báo in) và loạt 5 bài: “Hải quân và Đặc công Việt Nam-Những chuyến xuất quân ấn tượng” của tác giả Nguyễn Xuân Hòa (Nguyễn Hòa) đoạt giải Khuyến khích-giải tin, bài phản ánh, phỏng vấn, bình luận, tọa đàm, giao lưu trực tuyến (Báo điện tử).

 

  8 tác phẩm đoạt giải A gồm: Loạt 2 bài: “Bài học sâu sắc về công tác cán bộ qua vụ Trịnh Xuân Thanh” (Báo Nhân Dân); loạt 5 bài: “Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tại Việt Nam trong giai đoạn hiện nay” (Báo Quân đội nhân dân); loạt 3 bài: “Đường đi của cát Việt ra nước ngoài” (Báo Tuổi trẻ); tác phẩm “Tinh giản bộ máy chính trị-đổi mới trước hết bắt đầu từ cấp trên” (Đài Tiếng nói Việt Nam); tác phẩm “Tích tụ, tập trung ruộng đất-đòi hỏi từ cuộc sống” (Đài Tiếng nói Việt Nam); tác phẩm “Dáng đứng Việt Nam” (Đài Truyền hình Việt Nam); tác phẩm “Nơi ấy có thầy” (Đài Truyền hình Việt Nam); tác phẩm “Chuyến thăm Hoa Kỳ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Định hình khuôn khổ hợp tác đa phương đa dạng” (Báo Điện tử VietnamPlus-TTXVN).

Với tiêu đề “Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tại Việt Nam trong giai đoạn hiện nay”, loạt 5 bài đoạt giải A-Giải BCQG năm 2017 của nhóm tác giả Nguyễn Sĩ Dũng, Nguyễn Minh Phong, Hoàng Gia Minh, Hồ Quang Phương-Liên chi hội Nhà báo Báo Quân đội nhân dân được đăng tải trong thời gian trước khi diễn ra Hội nghị Trung ương 5, khóa XII của Đảng. Nhà báo Hồ Quang Phương, đại diện nhóm tác giả chia sẻ, loạt bài đã đề cập tới các vấn đề lớn được bàn thảo trong Hội nghị Trung ương 5, chỉ ra các điểm nghẽn về thể chế. Trong đó, loạt bài nhấn mạnh vai trò quan trọng của kinh tế tư nhân trong tình hình mới. Qua đó góp phần củng cố vững chắc niềm tin rằng dân tộc ta đang cùng nhau xây dựng một chế độ xã hội tốt đẹp. 

 

Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cùng Thủ trưởng Tổng TCCT, các đại biểu chụp ảnh lưu niệm với cán bộ và các tác giả, nhóm tác giả Báo Quân đội nhân dân đoạt giải. Ảnh: MINH TRƯỜNG

 

Mùa giải năm nay cho thấy rõ trình độ chuyên môn nghiệp vụ giữa các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương ngày càng thu hẹp, đặc biệt là sự bứt phá của báo hình. Theo nhận xét của TS Trần Bá Dung, Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam, các tác phẩm dự giải ở các thể loại báo hình của các đài phát thanh-truyền hình (PT-TH) địa phương có chất lượng khá tương đồng với các đài PT-TH Trung ương. Trong đó, đáng chú ý là tác phẩm đoạt giải B “Đưa người chết vào quan tài” của nhóm tác giả Trịnh Mai Hương, Lê Văn Tiến Dũng, Mai Xuân Sơn, Trần Thanh Văn, Lê Xuân Quang, Lê Thanh Tuyến của Đài PT-TH Thanh Hóa. Đây là tác phẩm nói về hủ tục lạc hậu để người chết hàng tuần gây ô nhiễm môi trường của đồng bào Mông tỉnh Thanh Hóa. Với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng địa phương cùng những người dân có hiểu biết đã vận động hiệu quả đưa người chết vào quan tài. Đây được xem là "cuộc chiến" về tư tưởng gắn với “Đề án tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ vùng đồng bào Mông tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020”. Chia sẻ với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, nhà báo Lê Văn Tiến Dũng, đại diện nhóm tác giả cho biết: "Để có được tác phẩm này, nhóm tác giả phải ấp ủ ý tưởng và theo đuổi gần chục năm. Đề tài thực hiện trên địa bàn huyện Mường Lát xa xôi, các nhà báo gặp không ít khó khăn. Có thời điểm tưởng như đổ vỡ nhưng với sự nỗ lực, đồng lòng của ê kíp tác giả, tác phẩm đã gặt hái được thành công, đem lại niềm tự hào cho những người làm báo xứ Thanh".

 

Giải BCQG lần thứ XII-năm 2017 đã khép lại. Với hơn 22.000 hội viên nhà báo ở đầy đủ các loại hình báo chí, đội ngũ người làm báo đang ngày càng xây dựng một nền báo chí phát triển, hướng tới tính chuyên nghiệp cao, có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp trong sáng. Những tác phẩm được trao giải ở mùa giải năm nay đã góp phần khẳng định thêm điều đó.

 

 

NGUYỄN HOÀI

443 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 560
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 560
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87214293