|
HTX Nông nghiệp Cổ Mỹ phấn đấu hoàn thành các tiêu chí để sản phẩm đậu xanh Vĩnh Giang được chứng nhận OCOP. Ảnh: TT
|
Trong số 19 sản phẩm OCOP cấp tỉnh năm 2019, có ba sản phẩm đạt chứng nhận của chủ thể HTX là gạo sạch Triệu Phong của HTX Nông sản sạch Triệu Phong đạt 4 sao, hạt tiêu đen của HTX Hồ tiêu Cùa và cà phê bột của HTX Nông sản Khe Sanh đều đạt 3 sao. Giám đốc HTX Nông sản Khe Sanh Nguyễn Thị Hằng cho biết, để sản phẩm cà phê bột được chứng nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh, HTX đã đầu tư kinh phí để hoàn thiện các tiêu chí. Trong thời gian tới, định hướng của HTX là nâng cấp sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao, mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước, xuất khẩu.
Tham gia chương trình OCOP ở cấp huyện đánh giá với mức điểm dưới 50 điểm có 6 sản phẩm của các chủ thể là HTX, trong đó hầu hết các sản phẩm đều có chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài tỉnh như miến gạo, miến phở Loan Hảo, thanh long ruột đỏ của HTX Nông sản Tây Vĩnh Linh, ném Vĩnh Linh, đậu xanh Vĩnh Giang…Câu chuyện “trượt chuẩn” OCOP của đậu xanh Vĩnh Giang cũng là tình trạng chung của nhiều sản phẩm của các HTX khi gặp “rào cản” về kinh phí để hoàn thiện các tiêu chí.
Toàn xã Vĩnh Giang, huyện Vĩnh Linh hiện trồng khoảng 30 ha đậu xanh tằm hạt nhỏ, trong đó tại HTX Nông nghiệp Cổ Mỹ, 240 thành viên tham gia trồng với diện tích khoảng 20 ha. Theo ước tính sau khi trừ chi phí, mỗi vụ bình quân 1 ha cho lợi nhuận hơn 40 triệu đồng, vụ vừa qua HTX thu mua hơn 2 tấn đậu xanh. Theo Giám đốc HTX Nông nghiệp Cổ Mỹ Lê Chẩn, giống đậu xanh tằm hạt nhỏ của địa phương có khả năng thích nghi rộng, chống chịu tốt với các điều kiện thời tiết bất lợi và năng suất cũng tương đối cao. Hiện giống đậu xanh này rất được thị trường ưa chuộng, thu hoạch xong là đã có thương lái tới mua tận nhà. Năm 2017, sản phẩm đậu xanh Vĩnh Giang đã được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ công nhận thương hiệu. Bên cạnh sản phẩm đậu xanh tằm nguyên hạt, được sự hỗ trợ của Chi cục Phát triển nông thôn về máy móc, nhà xưởng, HTX Nông nghiệp Cổ Mỹ đã đưa ra thị trường sản phẩm bột đậu xanh tằm và được thị trường đánh giá cao.
Tuy vậy, tham gia đánh giá sản phẩm OCOP cấp huyện năm 2019 vừa qua, sản phẩm đậu xanh Vĩnh Giang chỉ đạt 2 sao, nguyên nhân chính là không đạt chỉ tiêu an toàn thực phẩm. “Để chứng nhận an toàn thực phẩm thì phải có kinh phí làm thủ tục chứng nhận an toàn thực phẩm, trong khi điều kiện của HTX đang khó khăn. Do vậy để sản phẩm đậu xanh Vĩnh Giang đạt chứng nhận OCOP thì còn nhiều việc phải làm. Huyện Vĩnh Linh cũng đã có định hướng trong năm 2020 hỗ trợ HTX xây dựng sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, HTX rất mong muốn chính quyền địa phương quan tâm xúc tiến để sản phẩm đậu xanh Vĩnh Giang sớm hoàn thành các tiêu chí, được công nhận OCOP”, ông Lê Chẩn cho biết.
Quảng Trị có nhiều loại sản phẩm đặc trưng, có thế mạnh, có thể phát triển, nâng cấp thành sản phẩm OCOP như gạo chất lượng cao, hồ tiêu, cà phê, cao dược liệu, tinh bột nghệ, ném, cá hấp, nước mắm, tôm, các sản phẩm từ chăn nuôi… Tuy nhiên khi thực hiện chương trình OCOP, số lượng HTX tham gia sản xuất sản phẩm theo tiêu chí OCOP còn thấp, chủ yếu ở hình thức cơ sở sản xuất kinh doanh. Có nhiều nguyên nhân khiến HTX hạn chế tham gia chương trình OCOP, đó là rất ít đơn vị trực tiếp tham gia sơ chế, chế biến sản phẩm, một số HTX còn e ngại về thị trường tiêu thụ khó khăn khi làm ra sản phẩm với số lượng lớn. Ngoài ra, chính sách hỗ trợ cho chương trình OCOP chủ yếu từ nguồn xây dựng nông thôn mới, hằng năm phân bổ rất ít, nên việc hỗ trợ cho các chủ thể tham gia chương trình không được nhiều.
Thời gian qua, tỉnh cũng đã ban hành nhiều chính sách nhằm hỗ trợ phát triển HTX, đặc biệt là đối với các HTX phát triển nông sản. Về phía HTX, hiện nay nhiều đơn vị trên địa bàn tỉnh đã chủ động ký kết hợp đồng với các đối tác trên cả nước để đưa sản phẩm vào tiêu thụ ở những hệ thống phân phối lớn.
Việc tham gia chương trình OCOP là cơ hội tốt để các HTX nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, hoàn thiện chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm, nâng cao thu nhập cho thành viên HTX. Tuy vậy, để các HTX tham gia chương trình OCOP phát huy hiệu quả, trung ương, tỉnh cần có các cơ chế chính sách cụ thể để khuyến khích, hỗ trợ, tạo lập môi trường cho các HTX kiểu mới phát triển. Tiếp tục tháo gỡ khó khăn về chính sách đất đai, tín dụng, đơn giản hóa thủ tục vay vốn, thực hiện chính sách thu hút cán bộ trẻ, có trình độ làm việc tại HTX. Đồng thời, ưu tiên các giải pháp thiết thực về khoa học, công nghệ, thị trường.
Ở cấp huyện, các địa phương cũng cần tăng cường quan tâm, có cơ chế hỗ trợ các HTX hoàn thiện nâng cấp bao bì, tem truy xuất nguồn gốc, quảng bá sản phẩm, tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, dựa trên đăng ký của HTX, cần định hướng phát triển để nâng hạng sản phẩm đạt chứng nhận OCOP cấp tỉnh lên cao hơn.
Thanh Trúc