|
Bệnh khảm lá gây hại trên cây sắn chuẩn bị cho thu hoạch. Ảnh: TQ
|
Vừa dẫn chúng tôi đi thăm ruộng sắn mới trồng được gần một tháng của mình, ông Phạm Như Thành ở tại thôn Nam Chánh, xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng cho biết, gia đình ông hằng năm đều trồng gần 1 ha sắn, sử dụng giống sắn KM94. Tuy nhiên vụ trồng sắn năm nay, sau khi trồng được gần 1 tháng, ông phát hiện cây sắn có hiện tượng lá bị khảm vàng loang lổ, xoăn, cong queo, nhăn nhúm. Ban đầu chỉ bị trên một vài cây, sau đó lan ra khắp ruộng. Ngay lập tức ông đã báo cáo với chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn về kiểm tra và xác định cây sắn bị bệnh khảm lá do virus gây ra. Bệnh này hiện nay chưa có thuốc phòng trị mà cần phải nhổ bỏ mang đi tiêu hủy. “Hằng năm ruộng sắn này mang lại thu nhập cho gia đình tôi từ 25 - 30 triệu đồng. Giờ buộc phải nhổ bỏ mang đi tiêu hủy và không được trồng lại nữa mà phải chuyển sang trồng các loại cây khác gây ảnh hưởng khá lớn đến kinh tế của gia đình”, ông Thành cho hay.
Theo thống kê của UBND xã Hải Chánh, toàn xã có hơn 235,7 ha diện tích trồng sắn thì đến thời điểm này đã có gần 200 ha bị bệnh khảm lá do virus gây hại. Tỉ lệ bệnh hại đa số trên 70%, cục bộ một số diện tích trên 90%. Phó Chủ tịch UBND xã Hải Chánh Bùi Văn Sinh cho biết, sau khi có kết quả giám định mẫu khẳng định cây sắn bị bệnh khảm lá, UBND xã đã khẩn trương chỉ đạo các đơn vị trên địa bàn thông báo rộng rãi cho nhân dân kiểm tra ruộng sắn; tổ chức tiêu hủy bằng cách nhổ bỏ và đốt với những diện tích bị bệnh trên 70% để tránh lây lan ra diện rộng; vận động nông dân chuyển sang các loại cây trồng khác như ngô, lạc… phù hợp từng chân đất, đảm bảo kịp thời vụ. Đồng thời kiến nghị cấp trên có chính sách hỗ trợ người dân bị thiệt hại và giống cây trồng như ngô, lạc để kịp trồng lại, tránh bỏ hoang đất canh tác. Cũng theo ông Sinh, bệnh khảm lá sắn này có khả năng lây lan theo hom giống trong khi người dân các xã vùng trũng của huyện Hải Lăng như Hải Tân, Hải Hòa… hằng năm đều lên xã Hải Chánh để thu mua hom giống về trồng nên khả năng dịch bệnh lây lan ra diện rộng là rất cao.
Trao đổi với chúng tôi khi vừa đi kiểm tra tình hình dịch bệnh trên cây sắn về, Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV) huyện Hải Lăng Dương Văn Tuấn cho hay: Để chủ động phòng, chống bệnh khảm lá sắn nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho sản xuất sắn trong toàn huyện, Trạm TT&BVTV đã phối hợp với UBND các xã, thị trấn thống kê diện tích, thời gian trồng, cơ cấu và nguồn gốc giống sắn trên địa bàn. Đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn nông dân về triệu chứng, nguyên nhân, phương thức lây lan, tác hại và biện pháp quản lí bệnh khảm lá hại sắn. Đối với xã Hải Chánh, trạm cùng với chính quyền địa phương chỉ đạo người dân khoanh vùng bị nhiễm bệnh; tập trung diệt trừ bọ phấn trắng là môi giới truyền bệnh bằng các loại thuốc như Mapzono, Trebon, Basa, Vicondor…; nhổ bỏ và tiêu hủy các cây sắn bị nhiễm bệnh; thu gom toàn bộ tàn dư, cây sắn còn lại từ vụ trước trên các bờ thửa, hàng rào đem tiêu hủy để tiêu diệt nguồn bệnh. Đồng thời vận động nông dân tuyệt đối không được vận chuyển hom giống sắn ra khỏi vùng bị bệnh hoặc sang địa phương khác để tránh lây lan.
Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục TT&BVTV Trần Minh Tuấn, bệnh khảm lá sắn là một đối tượng bệnh hại đặc biệt nguy hiểm trên cây sắn. Bệnh do virus có tên khoa học là Sri Lanka Cassava Mosaic Virus gây ra. Bệnh có khả năng phát tán và lây lan nhanh chóng qua môi giới truyền bệnh là bọ phấn trắng và qua hom giống. Hiện nay chưa có thuốc để diệt trừ virus gây bệnh khảm lá sắn, chỉ có phòng bệnh là chủ yếu và khi cây sắn bị bệnh thì phải tiêu hủy. Triệu chứng đặc trưng dễ nhận biết của bệnh khảm lá sắn là khảm vàng loang lổ trên lá. Khi bị bệnh ở mức độ hại nhẹ lá sắn không bị biến dạng hoặc biến dạng nhẹ; mức độ hại nặng sẽ làm cho lá sắn bị xoăn, cong queo, nhăn nhúm. Đối với hom giống lấy từ cây sắn bị bệnh khi mọc mầm sẽ có biểu hiện bệnh ngay và không cho thu hoạch; khi cây sắn còn non nếu bị nhiễm virus cũng không cho thu hoạch; đối với cây sắn đã lớn mới nhiễm virus vẫn biểu hiện bệnh nhưng nhẹ hơn, làm năng suất, chất lượng giảm. Ở nước ta, bệnh khảm lá trên cây sắn được phát hiện lần đầu tiên tại tỉnh Tây Ninh vào tháng 6/2017. Đến nay bệnh đã lây lan ra 20 tỉnh, thành phố trên cả nước với diện tích nhiễm hơn 32.000 ha. Tại Quảng Trị, trên cơ sở điều tra phát hiện của Chi cục TT&BVTV, thông báo của địa phương và kết quả giám định mẫu đến nay đã có hơn 226 ha sắn bị nhiễm bệnh khảm lá do virus, tập trung ở xã Hải Lệ (thị xã Quảng Trị) và xã Hải Chánh (huyện Hải Lăng); bệnh gây hại trên các giống KM 140 và KM 94; tỉ lệ hại trung bình từ 50 - 75%, nơi cao từ 90 - 100%.
Ông Tuấn cho biết, để giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh lây lan ra diện rộng, ngay sau khi có kết luận xét nghiệm mẫu, Chi cục TT&BVTV đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân biết về tác hại của loại bệnh này và cách diệt trừ mầm bệnh. Theo đó, khuyến cáo người dân tuyệt đối không được để giống từ những khu vực đã bị nhiễm bệnh cho vụ sau; tiến hành thu gom toàn bộ tàn dư, cây sắn còn từ vụ trước trên các bờ thửa, hàng rào đem đốt, tiêu hủy để tiêu diệt nguồn bệnh. Ngăn chặn triệt để việc sử dụng cây sắn đã bị nhiễm bệnh làm giống; nghiêm cấm mọi hành vi buôn bán, vận chuyển giống từ các vùng đang có dịch bệnh ra các địa phương khác; kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển thân, lá sắn trên địa bàn tỉnh cũng như vận chuyển từ tỉnh khác đến. Áp dụng luân canh bằng cách không trồng sắn hoặc cây kí chủ của bọ phấn trắng như cây thuốc lá, bông, cà chua, cà pháo, cà bát, bầu bí, khoai tây, ớt, … ở những vùng đã bị bệnh khảm lá ít nhất một vụ. Sử dụng bẫy dính vàng treo trên đồng ruộng diệt bọ phấn trắng. Những vùng có nguy cơ bùng phát bệnh cần phun trừ bọ phấn trắng bằng thuốc BVTV. Đối với những diện tích đã bị bệnh cần xác định mức độ bệnh và giai đoạn sinh trưởng để áp dụng biện pháp tiêu hủy phù hợp. Cụ thể, tiến hành nhổ cây bị bệnh (bao gồm cả củ), thu gom và đốt đối với những ruộng sắn có tỉ lệ nhiễm bệnh nhỏ hơn 70%; đối với những ruộng sắn có tỉ lệ bệnh trên 70% thì tiến hành nhổ toàn bộ cây trên ruộng, thu gom và đốt; đối với các ruộng sắn có cho thu hoạch thì nhổ toàn bộ cây sắn, tận thu củ, còn thân, lá thì đem tiêu hủy. Nếu phát hiện có bọ phấn trắng thì trước khi tiêu hủy cây sắn từ 2 - 3 ngày cần tiến hành phun thuốc BVTV trừ bọ phấn trắng trên ruộng sắn bị nhiễm bệnh và những ruộng xung quanh để ngăn chặn bọ phấn trắng di chuyển sang nơi khác truyền bệnh. Sau khi tiêu hủy 15 ngày tiến hành kiểm tra các diện tích đã xử lí, nếu phát hiện còn bệnh hoặc củ sắn còn sót mọc mầm thì tiến hành nhổ tiêu hủy triệt để. “Để khống chế không để bệnh khảm lá sắn lây lan ra diện rộng, bên cạnh sự nỗ lực của cơ quan chuyên môn; sự tuân thủ của nông dân trong việc thực hiện các biện pháp phòng trừ, rất cần các chính sách hỗ trợ của nhà nước trong việc tiêu hủy những diện tích bị nhiễm bệnh cũng như sản xuất các loại cây trồng thay thế khác”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Thục Quyên