|
Cây sắn mang lại thu nhập khá cho người dân Hướng Hóa
|
Theo số liệu thống kê của UBND huyện Hướng Hóa, tính đến cuối năm 2016, tổng diện tích sắn toàn huyện đạt hơn 4.700 ha (tăng 11,6% so với năm 2010), sản lượng ước tính trên 77.713 tấn (tăng 15,1% so với năm 2010).
Với sản lượng sắn hiện tại đã vượt quá công suất thiết kế của Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa dẫn đến thị trường tiêu thụ khó khăn. Mặt khác, dù diện tích sắn tăng nhanh nhưng do người dân chưa chú trọng thâm canh, áp dụng khoa học kỹ thuật trong canh tác nên chất lượng, năng suất giảm, ảnh hưởng đến thu nhập của người dân.
Chính vì vậy, để xây dựng vùng nguyên liệu sắn bền vững, trong giai đoạn 2017 - 2020, huyện Hướng Hóa sẽ ưu tiên chuyển đổi những diện tích sắn ngoài vùng quy hoạch, kém hiệu quả sang canh tác ngô, gừng, nghệ, cao su với tổng diện tích 521 ha, tiến tới ổn định diện tích sắn khoảng 4.200 ha để đầu tư theo hướng thâm canh, tăng năng suất, chất lượng.
Người dân tham gia đề án sẽ được hỗ trợ 100% kinh phí mua giống ngô và 60% kinh phí mua giống gừng, nghệ, cao su trong năm 2017. Từ năm 2018 - 2020 huyện sẽ hỗ trợ 70% kinh phí mua giống ngô, 40% kinh phí mua giống gừng, nghệ, cao su. Phần kinh phí còn lại người dân tự đối ứng.
Tổng kinh phí thực hiện đề án hơn 7,792 tỷ đồng từ nguồn Chương trình Quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, kinh phí sự nghiệp hàng năm của huyện, nhân dân tự đóng góp và từ nguồn các chương trình, dự án khác.
Đề án triển khai thành công sẽ góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ổn định diện tích quy hoạch vùng nguyên liệu cho Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội thiết thực đối với người dân trên địa bàn, nhất là đối với các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Công Điền