Căn cứ vào đó, UBND huyện thông qua Phòng Nông nghiệp và PTNT sẽ cấp tận tay cây giống cà phê cho người dân. Kinh phí mua cây giống cà phê được lấy từ nguồn sự nghiệp hàng năm của huyện.
Nguồn hạt giống cà phê dùng để ươm cây được lấy từ Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên và được các cơ quan chức năng của huyện hợp đồng với một số vườn ươm tiến hành ươm cây từ đầu năm, đến nay đã đủ tiêu chuẩn xuất vườn.
Theo quy định, cơ sở đủ tiêu chuẩn cung cấp giống cà phê ra thị trường phải đáp ứng một số điều kiện như: Có công bố tiêu chuẩn cây giống, nguồn gốc xuất xứ hạt giống dùng ươm cây, xây dựng phương án kiểm soát chất lượng cây giống trong suốt quá trình ươm, thường xuyên vệ sinh, tạo chế độ thoát nước tốt cho vườn ươm, báo cáo định kỳ cho cơ quan chức năng theo dõi...
Theo đề án “Tái canh và phát triển bền vững cây cà phê chè trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, giai đoạn 2017 - 2020, có tính đến 2025” (chủ yếu ở địa bàn huyện Hướng Hóa), mỗi năm địa phương sẽ tiến hành tái canh khoảng 200 ha cà phê, riêng trong năm 2017 sẽ trồng mới khoảng 100 ha.
Tuy nhiên, ngoài khó khăn về nguồn vốn, kỹ thuật tái canh, điều người dân lo lắng nhất hiện nay chính là chất lượng cây giống cà phê. Để có nguồn giống phục vụ tái canh, thời gian qua người dân chủ yếu trông chờ vào sự hỗ trợ của chính quyền, tuy nhiên số lượng cây giống chỉ đáp ứng một phần nhu cầu của người dân. Để phục vụ tái canh, nhiều hộ nông dân trên địa bàn tự ươm cây giống dẫn đến tiềm ẩn nhiều rủi ro trong quá trình canh tác.
Mong muốn của người dân là thời gian tới, các cấp, ngành chức năng địa phương cần có các chính sách ưu tiên, hỗ trợ nguồn giống đảm bảo chất lượng để đề án tái canh cây cà phê triển khai có hiệu quả.
Công Điền