|
Tuyên truyền, vận động người dân vùng cao ngăn chặn tình trạng tảo hôn
|
Nhiều giải pháp đã được triển khai như: Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, đặc biệt là Luật Trẻ em, Luật Hôn nhân và gia đình; triển khai các chương trình chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em; thành lập 70 câu lạc bộ trẻ em tại các trường tiểu học và trung học cơ sở; ký thỏa thuận hợp tác với Tổ chức Plan về việc thực hiện Dự án Chấm dứt tình trạng kết hôn sớm ở trẻ em… Tuy nhiên, tình trạng tảo hôn vẫn còn xảy ra trên địa bàn.
Theo số liệu thống kê, hiện nay, toàn huyện còn 332 cặp vợ chồng chưa đăng ký kết hôn vì chưa đủ tuổi theo quy định. Các trường hợp này sống tập trung ở các xã như Thanh, Hướng Lộc, Hướng Linh, Xy… Tình trạng tảo hôn diễn ra là do ảnh hưởng của quan niệm, phong tục, tập quán lạc hậu; sự hạn chế trong nhận thức của người dân; chế tài quy định về xử phạt đối với hành vi vi phạm pháp luật về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống chưa cụ thể; sự phối hợp giữa các ngành, các cấp chưa thực sự nhịp nhàng… Trong khi đó, nguồn kinh phí phục vụ công tác phòng, chống tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vẫn còn hạn chế.
Được biết, Đề án “Giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số” giai đoạn 2015 – 2020 được triển khai từ nhiều năm trước. Tuy nhiên, từ năm 2016 đến nay, huyện Hướng Hóa vẫn chưa được phân bổ kinh phí để thực hiện đề án này.
Q.H