|
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại hội thảo
|
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam cho biết, sau chiến tranh, Quảng Trị là địa phương chịu hậu quả nặng nề nhất do bom mìn và các vật nổ còn sót lại. Theo số liệu do VNMAC công bố năm 2018, diện tích đất bị ô nhiễm bởi bom mìn tại Quảng Trị lên đến 82%, cao nhất trong cả nước. Cùng với các tổ chức phi chính phủ, tỉnh Quảng Trị đã triển khai có hiệu quả nhiều dự án giảm thiểu tai nạn bom mìn, giải phóng đất đai, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Từ khoảng 70 tai nạn bom mìn mỗi năm kể từ khi Quảng Trị bắt đầu hợp tác với các tổ chức quốc tế triển khai các hoạt động bom mìn (1995 – 2015), năm 2018 là năm đầu tiên Quảng Trị không có tai nạn bom mìn.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam cảm ơn các nhà tài trợ cho các nỗ lực khắc phục hậu quả bom mìn trong thời gian qua, đặc biệt là Văn phòng tháo gỡ và giải trừ vũ khí – Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam, các tổ chức chính phủ, phi chính phủ đã đồng hành với tỉnh Quảng Trị trong nỗ lực xử lí diện tích đất bị ô nhiễm bởi bom mìn.
Khảo sát dấu vết và rà phá bom chùm (viết tắt tiếng Anh là CMRS) là một trong những sáng kiến đã được thử nghiệm và áp dụng tại tỉnh Quảng Trị nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động rà phá bom mìn trong điều kiện diện tích ô nhiễm lớn, nguồn lực có hạn và yêu cầu an toàn cao của cộng đồng bị ô nhiễm bom mìn. Phương pháp CMRS hỗ trợ việc lập kế hoạch, dự toán ngân sách và điều phối các hoạt động một cách hợp lí nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực.
Tại hội thảo lần này, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến nhằm chia sẻ các bài học kinh nghiệm, xác định những điểm cần cải thiện, nâng cao từ đó hoàn thiện phương thức tốt nhất và các nguyên tắc cho hoạt động khảo sát CMRS tại Việt Nam, Lào và Campuchia trong thời gian tới.
T.T