|
Các đại biểu tham quan mô hình nuôi cá nước ngọt truyền thống miền núi
|
Mô hình được triển khai tại thôn Tân Hòa, xã Cam Tuyền trên diện tích 2.500m2, mật độ thả nuôi 2 con/m2 bao gồm cá trắm cỏ, cá rô phi, cá chép và cá mè. Trong đó, Trung tâm KN tỉnh hỗ trợ 100% con giống và 50% thức ăn công nghiệp cho cá, tổng giá trị hỗ trợ của mô hình là hơn 30 triệu đồng.
Kết quả, sau thời gian gần 7 tháng thả nuôi tỷ lệ sống đạt trên 80%, trọng lượng bình quân đối với cá trắm, cá mè và cá chép đạt từ 0,6 - 0,7 kg/con, cá rô phi đạt từ 0,4 - 0,5 kg/con. Sản lượng ước đạt 2,2 tấn. Với giá bán bình quân trên thị trường hiện nay từ 30.000 – 50.000 đồng/kg thì sau khi trừ chi phí mang lại lợi nhuận hơn 37 triệu đồng.
Tại hội thảo, các đại biểu đều đánh giá cao việc đầu tư thức ăn, áp dụng đúng quy trình kỹ thuật đã giúp nâng cao tỷ lệ sống của cá, rút ngắn thời gian nuôi. Cụ thể, trước đây để thu hoạch được cá bà con nông dân phải nuôi từ 1 - 1,5 năm thì với mô hình này chỉ sau từ 6 - 8 tháng đã cho thu hoạch; tỷ lệ sống đạt từ 70 - 80%, so với trước đây chỉ đạt từ 50 - 60%.
Được biết, trong thời gian tới Trung tâm KN tỉnh sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này ra toàn tỉnh nhằm khai thác tối đa tiềm năng mặt nước hiện có để nuôi trồng thủy sản, góp phần giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi, tăng thu nhập cho người dân, đồng thời kích thích phong trào nuôi cá nước ngọt ở địa phương.
Thục Quyên