Hội thảo đầu bờ mô hình canh tác lúa cải tiến SRI 

(QT) – Hôm nay 15.5.2018, tại xã Hải Thiện, huyện Hải Lăng, Phòng Nông nghiệp huyện Hải Lăng phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện và Chương trình phát triển vùng huyện Hải Lăng (Tổ chức Tầm nhìn Thế giới) tổ chức hội thảo đầu bờ mô hình canh tác lúa cải tiến SRI.

Tham quan mô hình canh tác lúa cải tiến SRI tại xã Hải Thiện

 

Mô hình được triển khai trong vụ đông xuân 2017 – 2018 trên diện tích gần 2,5 ha tại các xã Hải Thiện, Hải Thành, Hải Trường, Hải Hòa, Hải Xuân và Hải Quy với 37 hộ tham gia. Sử dụng giống lúa Thiên Ưu 8 và Ma Lâm 48. Tham gia thực hiện mô hình các hộ nông dân bên cạnh được hỗ trợ giống lúa và phân bón còn được hướng dẫn các kỹ thuật như: Làm đất; xử lý, ngâm ủ và điều chỉnh hạt giống; gieo lúa bằng công cụ sạ hàng; quy trình bón phân, cách xác định thời điểm bón phân qua từng giai đoạn; cách sử dụng bảng so màu lá lúa để quyết định việc bón phân đạm; các biện pháp chăm sóc, quản lý nước trên ruộng, quản lý dịch hại tổng hợp qua từng giai đoạn theo IPM; biện pháp sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn hiệu quả. Hướng dẫn cách pha chế chế phẩm thảo mộc ớt - tỏi - gừng và cách sử dụng. Kết quả, về năng suất ở ruộng mô hình bình quân đạt 62,6 tạ/ha, cao hơn so với ruộng đối chứng 4 tạ/ha; với giá lúa hiện tại khoảng 6.000 đồng/kg thì lợi nhuận ở ruộng mô hình đạt gần 730 ngàn đồng/sào (tương đương 14,6 triệu đồng/ha) cao hơn so với ruộng đối chứng và trồng đại trà của người dân hơn 3 triệu đồng/ha.

 

Tại hội thảo các đại biểu đánh giá cao các kết quả đạt được của mô hình canh tác lúa cải tiến theo SRI. Như lượng thóc giống giảm bình quân 2,5 kg/sào (tương đương 50kg/ha), lượng phân đạm giảm 20 - 25%, tăng năng suất bình quân từ 6,8 - 16,2%. Giảm hóa chất phòng trừ sâu bệnh hướng tới môi trường không độc hại. Ngoài ra, canh tác theo SRI còn làm tăng khả năng ứng phó với biến đổi khi hậu như: Cây lúa cứng, khỏe hơn nên ít bị đổ ngã trong điều kiện mưa bão. Nhu cầu nước tưới cho ruộng lúa giảm được khoảng 30% so với canh tác truyền thống, điều này rất hữu ích trong điều kiện khan hiếm nguồn nước tưới. Mặt khác, việc không giữ nước ngập mặt ruộng thường xuyên sẽ hạn chế khí nhà kính phát thải vào khí quyển.

 

Theo dự kiến, Chương trình phát triển vùng huyện Hải Lăng sẽ tiếp tục hỗ trợ kinh phí nhân rộng mô hình SRI và tăng cường mở các lớp tập huấn, truyền thông để người dân trong vùng dự án được tiếp cận nhanh những kỹ thuật mới, từ đó áp dụng có hiệu quả vào sản xuất nhằm nâng cao đời sống của người dân.

 

Lê An

666 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 653
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 653
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87233509