|
Các đại biểu tham gia hội thảo
|
Hiện nay, toàn tỉnh có gần 23.600 người khuyết tật, trong đó có hơn 6.300 trẻ em. Thời gian qua, các cấp, ngành, đơn vị liên quan trong tỉnh đã triển khai có hiệu quả nhiều chính sách hỗ trợ người khuyết tật như: Tạo điều kiện vay vốn; thực hiện các chính sách về giáo dục đặc biệt và giáo dục hòa nhập; đào tạo nghề, giải quyết việc làm… Tỉnh luôn quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho người khuyết tật tham gia các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao.
Đặc biệt, các cấp, ngành, đơn vị trong tỉnh đã hợp tác với một số tổ chức, dự án phi chính phủ nước ngoài triển khai, thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ người khuyết tật như: Phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng; giáo dục cho trẻ khuyết tật; cung cấp chân tay giả, xe lăn; hỗ trợ vay vốn; cải thiện sinh kế…Tuy nhiên, trên thực tế, nhu cầu cần được quan tâm, hỗ trợ về cả vật chất lẫn tinh thần của người khuyết tật trên địa bàn hiện vẫn còn rất lớn.
Tại hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận sâu về việc triển khai, thực hiện các chính sách đối với người khuyết tật. Trong đó, nội dung được nhiều đại biểu quan tâm là chính sách đối với người khuyết tật trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng.
Cùng với đó, những tồn tại, khó khăn trong việc triển khai, thực hiện các chính sách đối với người khuyết tật cũng được phân tích, làm rõ như: Tỉ lệ người khuyết tật học nghề còn thấp; phần lớn người khuyết tật không có việc làm ổn định; số người khuyết tật tiếp cận, sử dụng Internet chưa cao; các công trình thiết kế, xây dựng chỉ mới ở mức độ tiếp cận tối thiểu dành cho người khuyết tật; thiếu cơ sở vật chất phục vụ công tác giảng dạy học sinh khuyết tật…
Từ sự nhận thức sâu sắc, các đại biểu tham dự hội thảo đã thống nhất đưa ra mục tiêu, phương hướng và nêu lên những giải pháp giúp người khuyết tật thuận lợi hơn trong việc tiếp cận các chính sách.
Q.H