Tham dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo một số bộ, ban, ngành Trung ương; Quỹ hỗ trợ sáng tạo Kỹ thuật Việt Nam (VIFOTEC); Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật (KH&KT) các tỉnh, thành phố trong cả nước; các tập thể, cá nhân đạt giải thưởng sáng tạo Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Việt Nam; đại diện các sở, ban, ngành và các cơ quan, đơn vị tại TP.Đà Nẵng….
Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Bùi Thế Đức, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, thay mặt lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương hoan nghênh, đánh giá cao tinh thần của Hội thảo “Sáng tạo Khoa học- Công nghệ Việt Nam với sự nghiệp Công nghiệp hóa, Hiện đại hóa đất nước” lần này; đồng thời ghi nhận những thành quả mà các nhà khoa học đã gặt hái được trong các giải thưởng và hội thi sáng tạo KH&CN trên toàn quốc cũng như việc ứng dụng nhanh các giải pháp sáng tạo vào sản xuất và đời sống, góp phần quan trọng và sự phát triển kinh tế- xã hội của đất nước.
Dịp này, đồng chí Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cũng đề cập đến vai trò, ý nghĩa cũng như sự ra đời, tác động đến đất nước ta của Cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0, trong đó có cả thời cơ, thuận lợi và những thách thức mà Cuộc cách mạng này mang lại đối với tiềm năng sáng tạo của nền KH&CN nước nhà, của đội ngũ trí thức và các nhà khoa học.
Để công cuộc sáng tạo KH&CN ngày càng sâu rộng hơn, đem lại hiệu quả thiết thực hơn, tạo ra sân chơi lành mạnh, bình đẳng, dân chủ cho các đối tượng tham gia, đồng chí Bùi Thế Đức lưu ý với Hội thảo 4 vấn đề cơ bản. Trong đó, đồng chí yêu cầu các đại biểu tham dự cần tập trung thảo luận phương hướng đổi mới công tác tuyên truyền, giúp cấp ủy, chính quyền và mọi đối tượng hiểu sâu sắc hơn về giải thưởng và các hội thi sáng tạo KH&CN. Từ đó giúp phong trào thi đua lao động, sáng tạo, tham gia tích cực các giải thưởng và hội thi ngay từ cơ sở.
Tập trung đổi mới kinh nghiệm và biện pháp triển khai ứng dụng rộng rãi các công trình sáng tạo đạt giải vào sản xuất và đời sống, giúp Ban tổ chức Giải thưởng và Hội thi sáng tạo KH&CN xác định các biện pháp, các nội dung tăng cường liên kết giữa các tổ chức KH&CN với doanh nghiệp ngay từ trong quá trình tham gia Giải thưởng và Hội thi cho đến quá trình chuyển giao, ứng dụng các giải pháp đoạt giải vào sản xuất và đời sống.
Quang cảnh Hội thảo
Tập trung thảo luận các vấn đề liên quan đến chủ trương, chính sách phù hợp với điều kiện của đất nước, nhà kiến nghị với Nhà nước về cơ chế trong việc hỗ trợ sáng tạo về công nghệ. Trong đó, đặc biệt là các chính sách cho vay vốn nghiên cứu, sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của các công trình đoạt giải; chính sách đảm bảo quyền lợi chính đáng trong công tác bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ các giải pháp đoạt giải trong quá trình ứng dụng vào sản xuất…; tạo môi trường thuận lợi để cán bộ KH&CN phát triển tài năng và hướng lợi ích xứng đáng với giá trị lao động sáng tạo của mình.
Cần quan tâm mở rộng hơn một số giải pháp công nghệ hướng vào nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa; những giải pháp giúp Nhà nước kiềm chế lạm phát; quản lý vĩ mô, sắp xếp lại nền kinh tế; ứng phó với biến đổi khí hậu và an toàn vệ sinh thực phẩm; đẩy mạnh xuất khẩu và giảm nhập siêu các sản phẩm có thể sản xuất được… cũng là những nội dung thiết yếu góp phần tăng cường tiềm lực KH&CN của quốc gia.
Theo chương trình, tại Hội thảo, các đại biểu sẽ nghe các báo cáo là các công trình khoa học tiêu biểu đoạt Giải thưởng sáng tạo Khoa học và Công nghệ Việt Nam năm 2016 và nghe TS Lê Xuân Thảo, Phó Chủ tịch Thường trực Quỹ VIFOTEC trình bày chuyên đề đổi mới công tác tổ chức giải thưởng, hội thi, cuộc thi và định hướng phát triển Quỹ VIFOTEC đến năm 2020 và tầm nhìn 2030.
Dịp này, Ban Tuyên giáo Trung ương cũng sẽ tặng Kỷ niệm chương vì sự nghiệp công tác Tuyên giáo và Bộ KH&CN tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp sáng tạo KH&CN Việt Nam cho các cá nhân có nhiều đóng góp cho 2 lĩnh vực trên./.
Tin, ảnh: Đình Tăng