Hội nghị toàn quốc phổ biến, quán triệt Chỉ thị số 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ 

(QT) – Hôm nay 27.6.2019, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về phổ biến, quán triệt Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường xử lí, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc. Tham dự hội nghị tại điểm cầu Quảng Trị có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành, địa phương liên quan
  • Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Quảng Trị

 

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình khẳng định, thời gian qua, công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lí hành vi tham nhũng đã có chuyển biến tích cực, nhất là việc phát hiện và xử lí nghiêm minh nhiều vụ việc, vụ án lớn, được xã hội quan tâm, đồng tình, ủng hộ, góp phần quan trọng giữ vững sự ổn định chính trị, củng cố niềm tin của nhân dân, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội.

 

Tuy nhiên, trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, ở nhiều ngành, nhiều cấp vẫn còn tình trạng cán bộ, công chức, viên chức vì động cơ vụ lợi đã lợi dụng vị trí công tác; lợi dụng kẽ hở về cơ chế, chính sách, pháp luật; lợi dụng lòng tin, sự thiếu hiểu biết về chính sách, pháp luật của một bộ phận người dân để sách nhiễu, gây phiền hà, kéo dài thời gian giải quyết công việc, giải quyết không đúng quy định, không công bằng, không khách quan.

 

Tình trạng tham nhũng vặt biểu hiện qua nạn hối lộ trong lĩnh vực hành chính, dịch vụ công, nạn "lót tay", "chạy chọt" để được việc khi giao dịch với các cơ quan công quyền vẫn còn nhức nhối, gây bức xúc đối với người dân, doanh nghiệp, ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, tổ chức, làm xói mòn lòng tin của người dân, doanh nghiệp, cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội.

 

Để chấm dứt tình trạng trên, ngày 22/4/2019, Thủ tướng Chính phủ đã kí, ban hành Chỉ thị số 10/CT-TTg về việc tăng cường xử lí, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc, đề ra 4 nhóm giải pháp để chấn chỉnh, khắc phục, gồm: Tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng; thực hiện cải cách hành chính, tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị, đổi mới công nghệ quản lí; tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và phát huy vai trò, trách nhiệm của xã hội trong phòng, chống tham nhũng; tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ; xây dựng cơ chế giám sát, phát hiện vi phạm.

 

Việc phổ biến, quán triệt rộng rãi chỉ thị này có ý nghĩa rất quan trọng, bảo đảm cho việc tổ chức thực hiện hiệu quả, đưa các nội dung của chỉ thị đi vào cuộc sống, tăng cường xử lí, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc. Qua đó, tiếp tục khẳng định quyết tâm chính trị cao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc xây dựng bộ máy hành chính nhà nước trong sạch, vững mạnh, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hành chính kỉ cương, liêm chính; tăng cường cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

 

Sau khi nghe ý kiến thảo luận của các bộ, ngành, địa phương, kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình lưu ý, việc triển khai chỉ thị phải bảo đảm đồng bộ, phù hợp với các quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng; gắn việc quán triệt, tổ chức thực hiện chỉ thị với việc thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 1/1/2019 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021; Quyết định 681/QĐ-TTg ngày 4/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam đến năm 2030. Các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức phải xác định rõ trọng tâm, trọng điểm phù hợp với lĩnh vực quản lí; chủ động nhận diện, tập trung nguồn lực, giải pháp vào các lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra vi phạm; tổ chức kiểm tra, giám sát thường xuyên, xử lí nghiêm vi phạm. Việc triển khai thực hiện chỉ thị phải nhanh chóng tạo sự chuyển biến thực chất, tích cực, rõ nét, tiến tới thay đổi căn bản tình hình trong thời gian tới. 

 

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cũng yêu cầu người đứng đầu cơ quan, tổ chức, địa phương phải gương mẫu đi đầu; phải coi phòng, chống tham nhũng vặt, nhũng nhiễu, phiền hà là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, là tiêu chí để đánh giá kết quả thi đua, công tác cuối năm. Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, công tác hành chính công trực tuyến, hạn chế tối đa việc tiếp xúc trực tiếp với người dân; triển khai ghi âm, ghi hình, có bộ phận theo dõi, giám sát nơi tiếp nhân dân, doanh nghiệp; lấy ý kiến đánh giá, nhận xét của người dân đối với cán bộ; phát huy vai trò của các hội, đoàn thể quần chúng trong phối hợp ngăn chặn, gắn với thực hiện công tác dân vận, thực hiện "Năm dân vận chính quyền 2019".

 

Lê An – Nguyễn Lan

360 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1005
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1005
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87062799