|
Tuyên truyền, tư vấn CSSKSS/KHHGĐ cho người dân vùng bãi ngang huyện Hải Lăng. Ảnh: N.B
|
Ngay từ đầu tháng 3/2019, Chi cục DS - KHHGĐ tỉnh đã tổ chức hội nghị triển khai “Chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình”. Mục tiêu của chiến dịch này là tăng cường các hoạt động tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về các chính sách dân số và phát triển bao gồm các lĩnh vực quy mô, cơ cấu và nâng cao chất lượng dân số; hỗ trợ nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ tại các xã có mức sinh, tỉ lệ sinh con thứ 3 trở lên cao và các xã thuộc vùng khó khăn. Đồng thời, thông qua chiến dịch, nhiều người dân, nhất là các cặp vợ chồng, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ dễ dàng nắm bắt thông tin, thuận lợi hơn khi tiếp cận và tham gia vào các hoạt động CSSKSS/ KHHGĐ ngay tại cơ sở. Thông qua các hoạt động đó đã góp phần giảm sinh và nâng cao chất lượng dân số, nhất là tại các vùng đông dân có mức sinh cao, vùng đặc biệt khó khăn.
Tại Quảng Trị, chiến dịch được triển khai tại 74/141 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh, trong đó ưu tiên địa bàn thuộc các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, các xã vùng núi và biên giới. Chiến dịch được chia làm 2 đợt cụ thể: Đợt 1 tổ chức 2 ngày/xã và bắt đầu từ ngày 18/3 - 10/5/2019; đợt 2 tổ chức 1 ngày/xã và bắt đầu từ tháng 7/2019 kết thúc trước ngày 10/9/2019. Ngay từ khi triển khai “Chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ”, Chi cục DS - KHHGĐ tỉnh đã đưa ra mục tiêu cụ thể về truyền thông chuyển đổi hành vi và dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ. Về truyền thông chuyển đổi hành vi, mục tiêu đưa ra: 100% cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể tại các xã thực hiện chiến dịch được cung cấp đầy đủ thông tin về công tác dân số trong tình hình mới; tối thiểu có 90% người dân tại địa bàn thực hiện chiến dịch được cung cấp đầy đủ các thông tin về chính sách dân số và phát triển; đảm bảo 100% cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ thuộc địa bàn thực hiện chiến dịch được cung cấp thông tin, tư vấn nâng cao hiểu biết về CSSKSS/KHHGĐ.
Về dịch vụ KHHGĐ/CSSKSS, mục tiêu đưa ra là: Đối với các biện pháp tránh thai dài hạn đạt trên 90%, biện pháp tránh thai ngắn hạn đạt trên 80% chỉ tiêu kế hoạch năm tại xã thực hiện chiến dịch; điều trị bệnh phụ khoa thông thường cho 100% phụ nữ tại các xã thực hiện chiến dịch đăng kí tự nguyện sử dụng biện pháp tránh thai nhưng phát hiện mắc bệnh. Chỉ tiêu gói dịch vụ CSSKSS gồm khám phụ khoa 16.500 lượt; xét nghiệm (soi tươi, phiến đồ âm đạo) 4.000 trường hợp; điều trị phụ khoa 13.000 lượt. Gói dịch vụ KHHGĐ có chỉ tiêu 12.083 ca bao gồm số người sử dụng biện pháp tránh thai ngắn hạn và dài hạn.
|
Người dân miền núi huyện Hướng Hóa được chăm sóc sức khỏe. Ảnh: N.B
|
Để chỉ đạo và điều hành chiến dịch có hiệu quả, Chi cục DS - KHHGĐ tỉnh, trung tâm y tế và trạm y tế các xã, phường, thị trấn đã tham mưu cho Ban Chỉ đạo công tác DS - KHHGĐ cùng cấp trực tiếp chỉ đạo, phân công thành viên phụ trách các địa bàn chiến dịch; trực tiếp điều phối và tổ chức thực hiện các hoạt động của chiến dịch. Chi cục DS - KHHGĐ là đơn vị xây dựng kế hoạch và trực tiếp chỉ đạo, điều phối các hoạt động của chiến dịch. Đồng thời phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cung cấp thuốc thiết yếu, vật tư, thiết bị đảm bảo kịp thời cho chiến dịch. Đối với trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố sẽ có nhiệm vụ tham mưu cho Ban Chỉ đạo công tác DS - KHHGĐ cùng cấp xây dựng kế hoạch, chiến dịch phù hợp với tính đặc thù của địa phương và hướng dẫn, chỉ đạo trạm y tế xã, phường thuộc địa bàn chiến dịch lập kế hoạch, tổ chức triển khai tại địa phương. Trạm y tế các xã thuộc địa bàn chiến dịch sẽ tham mưu cho UBND xã, ban chỉ đạo công tác DS - KHHGĐ xã xây dựng kế hoạch thực hiện chiến dịch; chỉ đạo cộng tác viên dân số tuyên truyền, vận động tại hộ gia đình và lập danh sách đối tượng có nhu cầu được cung cấp các dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ; chuẩn bị địa điểm thực hiện dịch vụ; tham gia cung cấp dịch vụ CSSKSS/ KHHGĐ trong chiến dịch.
Bên cạnh đó, Chi cục DS - KHHGĐ tỉnh tích cực phối hợp với Báo Quảng Trị, Đài PT-TH tỉnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tăng cường các hoạt động tuyên truyền trước, trong và sau chiến dịch. Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với các đài truyền thanh tuyến huyện tăng cường các hoạt động tuyên truyền chiến dịch tại địa phương để tạo sức lan tỏa. Ở tuyến xã, các trạm y tế tích cực tuyên truyền qua hệ thống truyền thanh của xã; huy động cộng tác viên dân số và tuyên truyền viên, các đoàn thể tại xã tổ chức tuyên truyền, vận động nhóm nhỏ, vận động trực tiếp tại hộ gia đình các đối tượng trong diện vận động thực hiện KHHGĐ. Nội dung tuyên truyền là Nghị quyết 11/2017/NQHĐND của HĐND tỉnh về chính sách dân số - KHHGĐ giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Các chính sách dân số trong tình hình mới theo Nghị quyết 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Sau khi triển khai chiến dịch rộng khắp trên địa bàn tỉnh, Ban Chỉ đạo công tác DS - KHHGĐ tỉnh đã tổ chức kiểm tra, giám sát, thống kê, sơ kết, tổng kết chiến dịch và đánh giá việc phối kết hợp giữa các đơn vị trong việc tổ chức triển khai thực hiện. Qua một thời gian triển khai chiến dịch, đến nay, tất cả các huyện, thị xã, thành phố đã thực hiện chiến dịch một cách tích cực, mang lại hiệu quả rõ nét như: Thực hiện các gói dịch vụ KHHGĐ đạt 90,4%; gói dịch vụ khám, điều trị phụ khoa đạt bình quân gần 95%; công tác truyền thông luôn đảm bảo yêu cầu đề ra; số lượng các ấn phẩm truyền thông được cung cấp cho người dân đều đảm bảo và vượt mức kế hoạch.
Huyện Hướng Hóa là một trong những địa phương làm rất tốt công tác này. Ngày 25/3/2019, tại xã Húc, UBND huyện Hướng Hóa đã phối hợp với Sở Y tế tổ chức lễ phát động điểm chiến dịch truyền thông lồng ghép với dịch vụ CSSKSS/ KHHGĐ năm 2019. Mục tiêu của chiến dịch nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ các cấp, các ngành, toàn thể xã hội về vai trò, tầm quan trọng của việc triển khai, thực hiện các dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, vận động, cung cấp dịch vụ CSSKSS/ KHHGĐ, góp phần duy trì mức sinh hợp lí, giảm tỉ lệ sinh con thứ ba trở lên, giảm tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Chiến dịch đưa ra chỉ tiêu 95% các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ thuộc địa bàn chiến dịch được cung cấp thông tin, tư vấn nâng cao hiểu biết về dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ; trên 80% chị em phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ được khám và điều trị ban đầu về bệnh phụ khoa thông thường; 95% số phụ nữ mang thai được cán bộ y tế khám và cung cấp thông tin, tư vấn về chăm sóc trước, trong và sau khi sinh.
Chiến dịch truyền thông lồng ghép với dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ năm 2019 tại huyện Hướng Hóa được tổ chức thành 2 đợt: Đợt 1, bắt đầu từ tháng 1 đến hết tháng 5/2019; đợt 2 bắt đầu từ tháng 7 đến hết tháng 10/2019. Ngay trong buổi phát động đã có gần 200 chị em phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn xã Húc được khám tư vấn về CSSKSS/ KHHGĐ. Đến nay, các chỉ tiêu mà huyện Hướng Hóa đề ra trong thực hiện chiến dịch truyền thông lồng ghép với dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ năm 2019 đều đạt mức rất cao, có nhiều chỉ tiêu vượt mức đề ra.
Với những kết quả đạt được, “Chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ” năm 2019 đã góp phần thực hiện thành công các mục tiêu, chỉ tiêu công tác DS - KHHGĐ của tỉnh. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho việc hoạch định chính sách về phát triển dân số gắn với kinh tế - xã hội của địa phương.
Vân Trang