Hiệu quả từ các dự án phi chính phủ nước ngoài 

(QTO) - Hiện nay có 24 tổ chức phi chính phủ nước ngoài (PCPNN), 8 tổ chức quốc tế đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, trong đó có 12 tổ chức, dự án có văn phòng dự án tại địa bàn tỉnh với 68 chương trình, dự án và khoản viện trợ phi dự án do các tổ chức phi chính phủ (NGO) tài trợ với số tiền là 16,42 triệu USD.

Tổ chức Y tế vì hòa bình (Medipeace) xây tặng Phòng phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật ở xã Hải Quy, Hải Lăng. Ảnh do Medipeace cung cấp

 

Thực hiện cơ chế phối hợp giữa các bên liên quan trong quản lý thực hiện các dự án NGO trên địa bàn căn cứ theo sự phân cấp và quy định rõ chức năng, nhiệm vụ chủ trì trong công tác vận động viện trợ và quản lý nhà nước hoạt động của các tổ chức PCPNN nên đã tạo thuận lợi và xác định rõ cơ chế phối hợp trong vận động, thẩm định, giám sát và đánh giá các dự án NGO. Đặc biệt là sự phối hợp giữa Sở Ngoại vụ, Sở Kế hoạch và Đầu tư và Công an tỉnh được triển khai tốt, tạo thuận lợi cho công tác vận động và tiếp nhận viện trợ PCPNN. Một số địa phương, đơn vị đã quan tâm bố trí vốn đối ứng nhằm triển khai thực hiện dự án theo yêu cầu của nhà tài trợ. Việc triển khai thực hiện các khoản viện trợ PCPNN đúng mục đích, tiến độ và phát huy hiệu quả tốt, góp phần phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh, đồng thời tạo điều kiện tốt cho công tác vận động trong thời gian tới. Có cơ chế chia sẻ thông tin, phối hợp kiểm tra và đánh giá từ phía cộng đồng.

 

Năm 2019, tỉnh Quảng Trị đã vận động được 33 khoản viện trợ NGO với tổng giá trị cam kết 5,73 triệu USD, trong đó vốn viện trợ PCPNN 5,65 triệu USD, vốn đối ứng 0,08 triệu USD. Trong năm 2019 đã có 31 chương trình, dự án, khoản viện trợ phi dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt và tiếp nhận, thực hiện với tổng số vốn cam kết 4,80 triệu USD, trong đó 2 khoản viện trợ được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bổ sung vốn tài trợ với trị giá 1,77 triệu USD, 20 khoản viện trợ do UBND tỉnh trực tiếp phê duyệt tiếp nhận với tổng vốn cam kết 2,75 triệu USD, 2 khoản viện trợ do các cơ quan trung ương phê duyệt triển khai trên địa bàn với vốn cam kết 0,11 triệu USD và 7 khoản được các cơ quan đầu mối ở tỉnh tiếp nhận căn cứ thư thông báo của nhà tài trợ với tổng số vốn cam kết 0,15 triệu USD. Có 2 dự án đã ký thỏa thuận tài trợ với tổng số vốn cam kết 0,93 triệu USD và hiện đang thực hiện thủ tục thẩm định, phê duyệt tiếp nhận theo quy định. Năm 2019, tình hình thực hiện các chương trình, dự án so với kế hoạch đặt ra đạt kết quả cao. Trong đó 61/68 dự án có tỉ lệ giải ngân đạt 80- 100%, 3/68 dự án có tỉ lệ giải ngân từ 60- 80% và có 3 dự án tỉ lệ giải ngân đạt dưới 40% KH năm.

 

Nhờ sự hỗ trợ tích cực về nguồn vốn, nhân lực, công nghệ của các cá nhân, tổ chức PCPNN đã góp phần phát triển kinh tế- xã hội, xóa đói giảm nghèo, cải thiện sinh kế và đời sống của người dân, phát triển nguồn nhân lực, an sinh xã hội. Các dự án về lĩnh vực giáo dục, đào tạo, giúp cộng đồng, học sinh tăng cường hiểu biết về các tác hại của bom, mìn; tích lũy kiến thức, kỹ năng để nhận biết và phòng tránh các nguy cơ tai nạn có thể xảy ra. Nâng cao cơ sở vật chất, chất lượng học tập, đào tạo tại các địa phương. Các dự án về y tế góp phần cải thiện sức khỏe cộng đồng, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong việc cải thiện môi trường sống. Các dự án về nông nghiệp và phát triển nông thôn đã hỗ trợ người dân cải thiện sinh kế, nâng cao chất lượng sản xuất, tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, tạo việc làm giúp cải thiện thu nhập cho các hộ nghèo, người khuyết tật. Rất nhiều mô hình sản xuất, chăn nuôi có chất lượng, hiệu quả đã được nhân rộng như nuôi dê, bò sinh sản, trồng tiêu, sả, trồng rừng ngập mặn…

 

Tuy nhiên một khó khăn hiện nay đó là các tổ chức NGO ngày càng đặt yêu cầu cao hơn về tỉ lệ đóng góp vốn đối ứng của địa phương nhưng trong điều kiện ngân sách tỉnh và các địa phương hưởng lợi quá hạn chế, không đáp ứng được yêu cầu của nhà tài trợ. Các dự án vận động và thực hiện tuy nhiều về số lượng nhưng quy mô nhỏ, thời gian thực hiện ngắn, việc giám sát và đánh giá các dự án chưa được tiến hành thường xuyên. Khả năng ứng dụng, chuyển giao, phát triển nhân rộng của chương trình, dự án còn hạn chế.

 

Năm 2020 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị sẽ có 48 khoản viện trợ NGO chuyển tiếp thực hiện. Ngoài ra tỉnh cũng đang hoàn thành thủ tục trình cấp có thẩm quyền phê duyệt thực hiện cho 2 khoản viện trợ với tổng vốn cam kết 0,93 triệu USD, dự kiến tổng vốn thực hiện các dự án NGO trên địa bàn Quảng Trị khoảng 18,50 triệu USD. Bám sát chương trình xúc tiến vận động viện trợ PCPNN của tỉnh giai đoạn 2020-2025, theo đó kế hoạch viện trợ PCPNN năm 2020 ưu tiên các ngành, lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp, phát triển nông thôn gắn với chương trình giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới; phát triển, cải thiện điều kiện y tế; hỗ trợ phát triển giáo dục và đào tạo nghề. Giải quyết các vấn đề xã hội, giúp đỡ trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, hỗ trợ người khuyết tật, người cao tuổi. Phòng chống bạo lực gia đình, buôn bán, xâm hại phụ nữ, trẻ em. Khắc phục hậu quả chiến tranh, rà phá bom mìn nhân đạo, hỗ trợ nạn nhân bom mìn, nạn nhân chất độc da cam/dioxin…Bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống và giảm nhẹ thiên tai. Tăng cường năng lực quản lý, kỹ thuật và phát triển nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ.

 

Để các dự án NGO triển khai đạt kết quả như cam kết, tỉnh Quảng Trị đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành liên quan tăng cường trao đổi và cung cấp thông tin giữa các cơ quan trung ương với địa phương về các tổ chức PCPNN và hoạt động viện trợ của các tổ chức này nhằm giúp địa phương trong quá trình vận động, thu hút và tiếp nhận viện trợ có hiệu quả. Đồng thời thông tin kịp thời các vấn đề liên quan đến các tổ chức PCPNN có tiềm năng tài chính hoạt động tại Việt Nam. Tiếp tục quan tâm giới thiệu, giúp tỉnh tiếp cận, vận động nguồn viện trợ phi PCPNN mới chưa hoạt động tại Quảng Trị trong các lĩnh vực hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam, người khuyết tật, giáo dục, chăm sóc y tế, ứng phó với biến đổi khí hậu với thời gian dài, bền vững. Tăng cường mở các lớp đào tạo, tập huấn về các kỹ năng xây dựng, vận động các tổ chức PCPNN, đặc biệt chú trọng nâng cao năng lực chuẩn bị dự án cho cán bộ đầu mối địa phương và các đơn vị. Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan đầu mối địa phương, chủ dự án, tổ chức viện trợ… Hỗ trợ các địa phương tổ chức các khóa bồi dưỡng, tập huấn triển khai các văn bản pháp quy, quy định về các lĩnh vực có liên quan đến công tác PCPNN như chế độ quản lý tài chính nhà nước đối với viện trợ PCPNN.

 

Tân Nguyên

1493 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 881
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 881
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77232583