Hiệu quả thiết thực từ chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” 

(QTO) - Sau 3 năm thực hiện, chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” do Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Quảng Trị, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp với Hội LHPN TP. Hồ Chí Minh tổ chức tại 2 xã A Bung, A Ngo, huyện Đakrông đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Không chỉ giúp người dân xây dựng nhà cửa, cải thiện chất lượng cuộc sống mà chương trình còn hỗ trợ các phương tiện sinh kế, thúc đẩy phụ nữ vùng biên giới nỗ lực thoát nghèo, xóa bỏ nhiều hủ tục trong sinh hoạt, sản xuất… Từ đây, chị em phụ nữ hai xã vùng biên của huyện Đakrông nói riêng và người dân ở các vùng biên giới còn nhiều khó khăn của tỉnh nói chung đã có thêm điều kiện để phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống.

Trao tặng bò giống cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn tại chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”. Ảnh: TP

 

Gia đình chị Hồ Thị Danh (sinh năm 1987) sống tại thôn Ty Nê, xã A Bung, huyện Đakrông vốn thuộc diện hộ nghèo trong xã. Năm 2018, từ nguồn hỗ trợ của chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, gia đình chị được tặng một con bò giống trị giá 12,5 triệu đồng làm phương tiện sinh kế. “Đến bây giờ, gia đình tôi vẫn luôn ghi ơn sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự giúp đỡ của Hội Phụ nữ đã tặng cho gia đình tôi con bò giống, lại còn hướng dẫn cách chăm sóc để bò sinh sản tốt, có thêm thu nhập, đảm bảo đời sống gia đình ”, chị Danh tâm sự. Đầu năm 2020, khi có dịp quay trở lại xã A Bung, chúng tôi rất phấn khởi khi nhìn thấy con bò giống nhà chị phát triển tốt, đã sinh một bê con khỏe mạnh và chuẩn bị sinh lứa tiếp theo. Từ một hộ nghèo, sau 3 năm, kinh tế gia đình chị Danh dần ổn định hơn.

 

Từ năm 2018 đến nay, Hội LHPN tỉnh và Hội LHPN TP. Hồ Chí Minh đã hỗ trợ nhiều mô hình chăn nuôi bò, dê với tổng số tiền gần 330 triệu đồng cho phụ nữ 2 xã A Bung, A Ngo. Năm 2020, hai Hội đã trao tặng 10 phương tiện sinh kế (bò giống) trị giá 125 triệu đồng cho hộ gia đình khó khăn tại các xã và tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn người dân cách làm chuồng trại, chăm sóc vật nuôi. Nhờ các mô hình sinh kế, chị em phụ nữ nơi đây đã dần học được cách thức làm ăn, phát triển kinh tế gia đình, thúc đẩy sự nỗ lực của những người trực tiếp được hưởng lợi sau chương trình. Qua đó góp phần vào việc giảm tỉ lệ hộ nghèo cả 2 xã A Ngo và A Bung từ năm 2018 lần lượt là 49,21% và 45,03% xuống còn 42,89% và 38,02% vào cuối năm 2019.

 

Không chỉ vươn lên thoát nghèo, phát triển kinh tế, ý thức của chị em phụ nữ trong các vấn đề an sinh xã hội, bảo vệ môi trường cũng được nâng cao. Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” đã làm thay đổi nhận thức của người dân trong việc sử dụng nước sạch, xây nhà tiêu hợp vệ sinh, nhà tắm an toàn cho phụ nữ, bé gái, bảo vệ môi trường. Theo kết quả khảo sát của Hội LHPN tỉnh, tỉ lệ hộ gia đình sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh trong 2 năm 2018 - 2019 tại xã A Bung tăng từ 46,52 % năm 2018 lên 52,51% năm 2019 và tại xã A Ngo là 38,04% năm 2018 lên 40,97% năm 2019.

 

Gia đình chị Hồ Thị Ba (sinh năm 1974) sống tại thôn Cu Tài 2, xã A Bung, huyện Đakrông là một điển hình. Trước đây, gia đình chị sử dụng nguồn nước tự chảy không đảm bảo vệ sinh, người nhà thường xuyên bị các bệnh về đường ruột. Không những thế, các thành viên trong gia đình còn đi vệ sinh bừa bãi, gây ô nhiễm môi trường. Đầu năm 2020, chị Ba được Hội LHPN tỉnh hỗ trợ 5 triệu đồng tiền xây nhà tiêu hợp vệ sinh, chị bàn với chồng vay thêm 4 triệu đồng để mở rộng nhà tắm. “Sau nhiều lần được nghe tập huấn về sử dụng nguồn nước sạch trong sinh hoạt; xây nhà tắm, nhà tiêu hợp vệ sinh để bảo vệ sức khỏe và môi trường, chúng tôi biết cần phải thay đổi thói quen tắm suối, đi vệ sinh bừa bãi. Nhờ số tiền hỗ trợ của hội cùng với sự góp sức của các chú bộ đội, gia đình tôi nay đã có nhà tiêu mới, hợp vệ sinh để sử dụng”. Không riêng gia đình chị Ba mà rất nhiều hộ gia đình khác tại xã A Bung, A Ngo cũng đã có nhà tiêu mới, hợp vệ sinh.

 

Sau 3 năm thực hiện chương trình, nhận thức của người dân 2 xã đã có nhiều chuyển biến rõ rệt, không còn trông chờ, ỷ lại vào các nguồn hỗ trợ. Để có thể thay đổi được điều này, Hội LHPN tỉnh, Hội LHPN TP. Hồ Chí Minh và các cấp, các ngành, chính quyền địa phương đã có sự chung tay, phối hợp thực hiện, luôn theo sát đời sống, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của chị em phụ nữ. Trên cơ sở chương trình liên tịch giữa các đơn vị liên quan, Ban Thường vụ (BTV) Hội LHPN tỉnh đã có các phiên làm việc, có văn bản gửi cấp uỷ, chính quyền địa phương về chủ trương, kế hoạch thực hiện chương trình tại 2 đơn vị, thông qua đó tạo sự thống nhất cao trong thực hiện các hoạt động đồng hành. Ngoài ra BTV Hội LHPN tỉnh còn phối hợp Đài Phát thanh- Truyền hình tỉnh, Báo Quảng Trị để đẩy mạnh công tác tuyên truyền; xây dựng phóng sự “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” trên chuyên mục “Phụ nữ và cuộc sống”. Hội LHPN tỉnh cũng thường xuyên tuyên truyền, vận động, hướng dẫn và phối hợp với Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế La Lay tiếp tục thực hiện tốt các cuộc vận động, phong trào do Hội LHPN các cấp phát động như: “Rèn luyện phẩm chất đạo đức tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”, xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”...

 

Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Đỗ Thị Lý cho biết: “Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương các cấp, các tổ chức, huy động các nguồn lực hỗ trợ tiền, con giống, mô hình để giúp đỡ phụ nữ, trẻ em nghèo, khó khăn... góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của chị em phụ nữ ở khu vực biên giới. Đồng thời hội sẽ thường xuyên vận động hội viên phụ nữ chủ động, tích cực vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc.”

 

Trúc Phương

354 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 951
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 951
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87130811