|
Chăn nuôi bò theo hướng trang trại, gia trại mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: MĐ
|
Cảm nhận của chúng tôi sau nhiều năm có dịp trở lại Hải Thái đó là sự đổi thay khá nhiều ở vùng đất này. Những ngôi nhà khang trang, kiên cố được xây dựng ngày càng nhiều; đường làng, ngõ xóm được trải nhựa, bê tông hóa; cùng với đó là màu xanh của những cánh rừng trồng, của cây cao su đã cho những dòng nhựa trắng… Tất cả là minh chứng cho sự đổi thay của vùng quê kinh tế mới.
Anh Nguyễn Dư Anh, Chủ tịch UBND xã Hải Thái cho biết, 5 năm trước, địa phương còn gặp nhiều khó khăn khi cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm còn thiếu thốn, không đồng bộ; tỉ lệ hộ nghèo, cận nghèo khá cao… Để có bước phát triển vững chắc, cấp ủy, chính quyền xã Hải Thái đã xây dựng kế hoạch, giải pháp và đề ra nhiều mục tiêu cụ thể. Điều đáng mừng là cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân luôn đồng lòng hưởng ứng, đóng góp trí tuệ, công sức để khai thác hiệu quả thế mạnh của địa phương, từng bước xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, thúc đẩy quê hương phát triển.
Sự đổi mới rõ nét nhất ở Hải Thái chính là việc phát triển các mô hình kinh tế nông nghiệp tổng hợp. Theo Chủ tịch UBND xã Hải Thái Nguyễn Dư Anh, một trong những nhiệm vụ trọng tâm được xã Hải Thái triển khai thực hiện là đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đề án phát triển kinh tế vùng gò đồi, miền núi của huyện Gio Linh trên cơ sở nghiên cứu và có sự điều chỉnh hợp lý, phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương; tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; chú trọng ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đẩy mạnh cơ giới hóa, làm tốt công tác khuyến nông, bảo vệ thực vật, thú y; tích cực chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi…
Từ những hướng đi đúng đắn, Hải Thái đã đạt được nhiều kết quả trong sản xuất nông nghiệp. Về trồng trọt, hằng năm toàn xã gieo trồng 205,1 ha các loại cây trồng, trong đó diện tích lúa gieo trồng 2 vụ đạt 125,1 ha, năng suất 50 tạ/ha, sản lượng lúa 742,4 tấn. Các loại cây như ngô, sắn, khoai lang, nghệ… được đầu tư phát triển. Cây trồng thế mạnh được xã chú trọng phát triển đó là cây cao su, cây hồ tiêu, trồng rừng... Hiện nay, tổng diện tích cao su tiểu điền gần 900 ha, trong đó đưa vào khai thác hơn 500 ha; diện tích cây hồ tiêu 35,8 ha, trong đó diện tích khai thác hơn 30 ha, năng suất 14 tạ/ha, sản lượng 42 tấn. Xã Hải Thái đã thành lập 1 CLB hồ tiêu, thực hiện tốt nhiệm vụ liên kết, hỗ trợ các thành viên trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Công tác chăm sóc, bảo vệ và phát triển rừng trồng được chú trọng. Tổng diện tích rừng trồng hiện nay 274 ha, đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân.
Bên cạnh đó, chăn nuôi được xác định là thế mạnh ở vùng gò đồi, miền núi. Xã Hải Thái đã đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại, bán công nghiệp; tăng cường liên kết để giải quyết đầu ra cho sản phẩm. Chỉ đạo cán bộ thú y triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm; nâng cao nhận thức của người chăn nuôi, các cơ sở giết mổ để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo vệ môi trường. Ngoài ra, xã Hải Thái đặc biệt quan tâm đến việc khảo sát, đánh giá thực trạng phát triển đàn bò, bổ sung giải pháp để thực hiện đề án zêbu hóa đàn bò hiệu quả. Hiện nay toàn xã có 1.685 con bò, trong đó tỉ lệ thực hiện zêbu hóa đàn bò 998 con; đàn lợn có trên 300 con, đàn gia cầm 21.250 con đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người chăn nuôi. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân có điều kiện thuận lợi phát triển các mô hình trồng trọt, chăn nuôi, xây dựng kinh tế trang trại, gia trại, xã Hải Thái triển khai nhiều giải pháp giúp người dân tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, đào tạo nghề, hỗ trợ khoa học kỹ thuật, cho người dân mượn đất để xây dựng nhiều mô hình kinh tế ở địa phương. Hiện nay, toàn xã hình thành gần 20 mô hình kinh tế trang trại, gia trại đạt hiệu quả cao.
Anh Nguyễn Xuân Hoàng, thôn Trường Trí, một người làm ăn giỏi cho biết: “Năm 2017, được sự hỗ trợ của chính quyền xã, gia đình tôi dùng số tiền tích cóp được và vay hơn 270 triệu đồng để đầu tư phát triển mô hình chăn nuôi bò nhốt kết hợp trồng cỏ trên diện tích 2,4 ha. Đến nay, gia đình tôi đã phát triển đàn bò hơn 45 con, cho thu nhập bình quân từ 180-200 triệu đồng/ năm. Ngoài ra, tôi còn chăn nuôi gà, vịt, lợn để tăng thêm thu nhập”.
Các ngành nghề có thế mạnh, sử dụng nguyên liệu, nhân lực tại chỗ của xã Hải Thái tiếp tục được duy trì, sản xuất có hiệu quả như: Chế biến lương thực, thực phẩm, lâm sản, sửa chữa và gia công cơ khí. Hiện toàn xã có 37 cơ sở công nghiệptiểu thủ công nghiệp, với trên 50 lao động, tổng giá trị sản xuất ước đạt trên 8 tỉ đồng. Hoạt động thương mại- dịch vụ phát triển, sản phẩm hàng hóa lưu thông phong phú, đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu dùng của nhân dân. Toàn xã có 148 cơ sở thương mại- dịch vụ; tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ ước đạt trên 28,3 tỉ đồng.
Anh Nguyễn Dư Anh, Chủ tịch UBND xã Hải Thái cho biết thêm, địa phương đã đạt được nhiều kết quả đề ra trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh. Thế mạnh về phát triển kinh tế vùng gò đồi miền núi đã khai thác có hiệu quả. Đời sống người dân ngày càng được nâng cao, thu nhập bình quân đạt 33 triệu đồng/người/năm, tỉ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 3,72%... Đây là những thành quả đáng tự hào, là động lực để xã Hải Thải tiếp tục phấn đấu xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Minh Đức