Hải Lăng liên tiếp chịu thiệt hại do ảnh hưởng không khí lạnh gây ra 

(QT) - Ảnh hưởng không khí lạnh có cường độ mạnh kết hợp với đới gió Đông trên cao gây ra mưa lớn trên diện rộng từ ngày 20 đến sáng ngày 21/11/2017 khiến nhiều địa phương bị ảnh hưởng, trong đó huyện Hải Lăng bị ảnh hưởng nặng nhất.

Các lực lượng giúp dân gia cố hồ tôm ở xã Hải An, Hải Lăng

 

Do mưa lớn tập trung trong thời gian ngắn nên mực nước các sông lên nhanh. Sông Bến Hải, sông Hiếu, sông Thạch Hãn đạt đỉnh phổ biến ở mức xấp xỉ báo động 1 đến trên báo động 1, sông Ô Lâu tại Hải Tân đạt đỉnh là 3,09m lúc 4 giờ ngày 21/11, trên báo động 2 là 0,29m). Đến ngày 21/11, lũ trên các sông Bến Hải, sông Hiếu, sông Thạch Hãn đều xuống dưới cấp báo động 1, xấp xỉ báo động 1; riêng mực nước sông Ô Lâu vẫn duy trì ở mức cao trên báo động 2. 

 

Tại huyện Hải Lăng, có tổng số 250 hộ dân thuộc 6 xã gồm Hải Tân, Hải Hòa, Hải Thành, Hải Sơn, Hải Trường, Hải Thiện bị ngập lụt, trong đó có 3 xã bị ngập nhà dân từ 0,1-0,5m (Hải Tân 120 hộ, Hải Hòa 100 hộ, Hải Thành 30 hộ). Đặc biệt, các tuyến đường liên xã Tân - Sơn -Hòa, tỉnh lộ 582 đoạn đi qua xã Hải Thiện, đường 584 đoạn đi qua xã Hải Trường, Quốc lộ 49C đoạn đi qua xã Hải Quế nhiều đoạn đã bị ngập với độ sâu từ 0,2-0,8m .Các tuyến đường giao thông nông thôn ở khu dân cư của xã Hải Thành, Hải Tân, Hải Hòa đã bị ngập ngập sâu, giao thông đi lại bị chia cắt khiến 30 trường học bị ảnh hưởng buộc phải cho học sinh nghỉ học.

 

Tại xã Hải An, do mưa lớn kèm theo lượng nước từ vùng đồng bằng tràn về nhanh nên đã gây ngập úng cục bộ tại một số khu dân cư, vùng sản xuất hoa màu và ảnh hưởng trực tiếp đến hơn 50 hồ nuôi tôm của các hộ nuôi tôm tại địa phương, nhất là những hộ có hồ tôm sát với các kênh tiêu nước bị thiệt hại nặng. Hồ tôm của hộ ông Lê Bá Cường, ở thôn Đông Tân An và ông Trần Xuân Minh, ở thôn Thuận Đầu bị vỡ, ước thiệt hại khoảng 1,7 tỷ đồng. 

 

Mưa lớn cũng đã làm ngập cục bộ một số tuyến đường có ngầm, tràn ở khu vực miền núi thuộc huyện Đakrông như tại cầu tràn Ba Lòng.

 

Hiên nay, huyện Hải Lăng đang chỉ đạo các địa phương tiếp tục theo dõi sát tình hình mưa lụt và chủ động giúp dân khắc phục thiệt hại. Riêng với các xã Hải An, Hải Khê, chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền cho người dân, nhất là các chủ hồ nuôi tôm không được lơ là, chủ quan và có phương án gia cố ao hồ nhằm tránh những thiệt hại.

 

Đối với các địa phương khác cũng đã tích cực triển khai công tác đảm bảo an toàn hệ thống đê điều, hồ chứa, công trình đang thi công; công tác vận hành xả lũ đúng quy trình tránh gây tình trạng ngập lụt nhân tạo do xả lũ; không tích nước đối với các công trình không đảm bảo an toàn. 

 

Hiện nay, các hồ chứa trên địa bàn tỉnh vẫn đảm bảo an toàn. Công tác phòng, chống ở cấp cơ sở nhất là các vùng có nguy cơ ngập sâu, vùng sạt lở đất, vùng nguy cơ lũ quét, lũ ống, vùng ngập cục bộ… được triển khai nhanh chóng, triệt để theo phương châm “4 tại chỗ”;  tại các vùng bị ngập lụt, mất an toàn đã triển khai cho học sinh nghỉ học đảm bảo an toàn về người. Chỉ đạo theo dõi chặt chẽ, cập nhật thông tin về diễn biến mưa lũ, gió mạnh, sóng lớn trên biển và chủ động theo dõi, kiểm đếm, quản lý chặt chẽ việc ra khơi của tàu thuyền để kịp thời xử lý các tình huống xấu có thể xảy ra.


Thanh Trúc

480 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 672
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 672
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 78100816