Giải pháp đẩy lùi hủ tục tảo hôn 

(QT) - Tình trạng tảo hôn ở các địa phương có đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh vẫn tồn tại và có xu hướng ngày càng tăng. Thực tế này đòi hỏi ngành chức năng cần có giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn, đẩy lùi hủ tục lạc hậu đang tác động tiêu cực đến tình hình kinh tế - xã hội nhiều địa phương miền núi.

Tích cực truyền thông nâng cao nhận thức, phòng chống tảo hôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: LT

 

Dự án Phòng chống kết hôn trẻ em tỉnh khảo sát về tình trạng tảo hôn tại 8 xã gồm các xã: Đakrông, Hướng Hiệp, Tà Long, Mò Ó (huyện Đakrông); xã Xy, xã Húc, xã Hướng Lộc, xã Thanh (huyện Hướng Hóa) với 66 thôn trong 9 tháng đầu năm 2018, có 4.470 trẻ (12 - 18 tuổi) thì có 240 trường hợp kết hôn dưới 18 tuổi trong đó có 168 nữ, chiếm tỉ lệ 70%. Độ tuổi kết hôn nhỏ nhất là 12 tuổi và gần như 100% trẻ sau khi lấy vợ, lấy chồng đều không tiếp tục đi học. Số liệu thống kê của huyện Hướng Hóa, tại 5 xã: Thanh, Xy, Húc, A Túc, Hướng Lộc năm 2017, trong số 162 cặp kết hôn có 44 cặp tảo hôn, chiếm tỉ lệ 27,16%; 9 tháng đầu năm 2018 trong số 101 cặp kết hôn có 27 cặp tảo hôn, chiếm tỉ lệ 27,72% trong đó có một số xã có tỉ lệ cao như Hướng Lộc 40%; xã Thanh 31,25%; xã Xy 28,57%... Ở huyện Đakrông cũng có nhiều xã xảy ra tình trạng tảo hôn cao như: Tà Long, A Ngo, Tà Rụt, A Vao…

 

Còn theo một đề tài khoa học ở Chi cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình tỉnh, trong số 440 cặp vợ chồng đơn vị chọn lấy mẫu khảo sát về tình trạng tảo hôn ở 6 xã gồm: Hướng Linh, A Dơi, Thanh (Hướng Hóa) và Đakrông, Tà Rụt, Tà Long (Đakrông) thì có tới có 227 trường hợp tảo hôn, chiếm 51,6%. Khảo sát cũng cho thấy, tỉ lệ tảo hôn ở phụ nữ chiếm 70,2%, cao hơn 6 lần nam giới. Đặc biệt, vẫn còn 28,7% nữ giới và 4,8% nam giới kết hôn ở độ tuổi từ 13 đến 15 tuổi. Điều này cho thấy tảo hôn là tình trạng phổ biến và diễn ra thường xuyên ở vùng đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.

 

Tảo hôn không chỉ vi phạm quy định của Luật Hôn nhân gia đình mà còn ảnh hưởng đến chất lượng nòi giống, cuộc sống, tâm sinh lí và sự phát triển thể chất của trẻ em. Tảo hôn cũng ảnh hưởng không nhỏ đến công tác dân số kế hoạch hóa gia đình, bảo vệ và chăm sóc trẻ em và sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Kết hôn khi chưa đủ tuổi trưởng thành, cơ thể chưa phát triển hoàn thiện sẽ ảnh hướng đến quá trình phát triển thể chất tự nhiên của con người, dẫn tới các di chứng bệnh tật, làm suy kiệt sức khỏe của cả bố mẹ và con cái. Trẻ em sinh ra từ các cặp vợ chồng tảo hôn dễ bị suy dinh dưỡng, thể trạng còi cọc, đau ốm...

 

Sau khi kết hôn, hầu hết các cặp vợ chồng tảo hôn thường chưa có năng lực để tự lo, độc lập, chịu trách nhiệm về cuộc sống gia đình. Những trường hợp được bố mẹ tách ra ở riêng thường gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống do chưa có kinh nghiệm về xây dựng gia đình và phát triển sản xuất kinh tế, dễ nảy sinh mâu thuẫn… Những cặp vợ chồng tảo hôn khi sinh con do chưa có kinh nghiệm và kiến thức về cuộc sống nên những đứa trẻ sinh ra khó có thể phát triển một cách toàn diện bởi không được chăm sóc đầy đủ và rất dễ đi theo “vết xe đổ” của bố mẹ, đó là lặp lại tình trạng tảo hôn - đói nghèo - bệnh tật. Điều này không những tạo thêm nhiều sức ép về chất lượng dân số mà còn gây nên những khó khăn, thách thức trong công tác quản lí dân số cũng như quá trình thực hiện các chính sách phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

 

Trẻ em gái người đồng bào dân tộc thiểu số cần được nâng cao nhận thức về vấn đề tảo hôn. Ảnh: LT

 

Trước thực trạng này, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 103/KH-UBND thực hiện Đề án Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2025. Đề án được triển khai thực hiện tại các xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số của 2 huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông với mục tiêu: giảm bình quân 10% - 15%/năm số cặp tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Đến năm 2020 cơ bản ngăn chặn và hạn chế tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, qua gần 4 năm triển khai đề án, việc giảm thiểu tình trạng tảo hôn ở vùng dân tộc thiểu số cho thấy rất khó đạt được mục tiêu, kế hoạch đề ra. Một thực tế là phần lớn thanh thiếu niên vùng đồng bào dân tộc thiểu số thiếu thông tin và thiếu hiểu biết của pháp luật về các quy định kết hôn. Mặt khác, việc phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể địa phương để ngăn ngừa tình trạng tảo hôn còn thiếu chặt chẽ, không thường xuyên và chậm trễ trong việc cập nhật thông tin về tình hình tảo hôn ở địa phương.

 

Qua khảo sát của một đề tài khoa học ở Chi cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình tỉnh, có đến 81,6% đối tượng nghiên cứu trả lời không biết về quy định cấm tảo hôn, 72,3% đối tượng trả lời không biết và không trả lời về các điều kiện kết hôn theo quy định của pháp luật, 91,6% không biết và không trả lời về các hành vi vi phạm điều kiện kết hôn. Có thể nói, thiếu hiểu biết về pháp luật cùng với sự tồn tại của các phong tục tập quán lạc hậu là những nguyên nhân trực tiếp làm gia tăng tình trạng tảo hôn trong cộng đồng dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, các địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa có các giải pháp hữu hiệu đủ sức răn đe cũng như làm giảm thiểu, ngăn chặn tình trạng tảo hôn đang diễn ra thường xuyên tại địa phương.

 

Vì vậy, để đẩy lùi hủ tục tảo hôn trước hết cần nâng cao nhận thức cho người dân, đặc biệt là đối tượng thanh thiếu niên vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cần tăng cường công tác thông tin, giáo dục, truyền thông về tảo hôn để đồng bào vùng dân tộc thiểu số thay đổi nhận thức, hành động. Nội dung tuyên truyền phòng chống tảo hôn từng địa phương khác nhau, đảm bảo phù hợp với trình độ dân trí, nguyên nhân tảo hôn của từng vùng. Cần kết hợp nhiều biện pháp khác nhau trong truyền thông nâng cao nhận thức, tạo sự bình đẳng cho trẻ em gái ở vùng sâu, vùng cao, vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số. Giáo dục giới tính, tình yêu, tình dục an toàn cho nhóm đối tượng thanh thiếu niên miền núi, từ đó nâng cao nhận thức, thay đổi thái độ, hành vi của nhóm đối tượng này về hôn nhân và gia đình, trong đó có việc phòng, chống nạn tảo hôn. Thực hiện tốt và nhân rộng các mô hình can thiệp giảm thiểu tình trạng tảo hôn tại cộng đồng.

 

Cơ quan chức năng cũng cần phân định rõ đầu mối trong điều hành các hoạt động thực hiện giảm thiểu tình trạng tảo hôn trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác quản lí, kiểm tra, kịp thời phát hiện, ngăn ngừa các trường hợp vi phạm điều kiện kết hôn tại các địa phương. Gắn trách nhiệm của cá nhân, gia đình và xã hội trong việc thực thi pháp luật. Đưa các quy định về hôn nhân vào quy ước, hương ước của làng, bản. Cung cấp các dịch vụ y tế chất lượng, dễ tiếp cận cùng các hoạt động về giới tính toàn diện và chất lượng cao, từ đó cải thiện khả năng tiếp cận của trẻ em và người chưa thành niên tới các dịch vụ có chất lượng liên quan đến giới tính, tình dục và chăm sóc sức khỏe sinh sản…

 

Mai Lâm

5615 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1186
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1186
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87132556