|
Các đại biểu tham dự buổi lễ
|
Trong những ngày chuẩn bị cho cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, lãnh tụ Hồ Chí Minh chỉ đạo phải thành lập ngay một Đài phát thanh quốc gia. Một nhóm thanh niên trí thức yêu nước trẻ tuổi, tràn đầy nhiệt huyết và trách nhiệm mà nòng cốt là các đồng chí Trần Lâm, Trần Kim Xuyến, Chu Văn Tích được giao trọng trách này. Trong điều kiện vô cùng khó khăn, thiếu thốn, chưa có hiểu biết về phát thanh, chỉ trong nửa tháng, các đồng chí đã tập hợp được một đội ngũ biết làm nội dung và kỹ thuật; đặc biệt là thiết lập được hệ thống phòng thu và phát sóng. Đúng 11 giờ 30 phút ngày 7/9/1945, Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam chính thức phát sóng buổi đầu tiên, kéo dài 90 phút với các bản tin tiếng Việt, tiếng Pháp, tiếng Anh và âm nhạc. Trong buổi phát thanh này, Đài đã phát đi Bản Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng tuyên bố với quốc dân, đồng bào và toàn thế giới trước đó tại Quảng trường Ba Đình lịch sử.
|
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị Nguyễn Văn Hùng tặng hoa chúc mừng nhà báo Phan Quang
|
Qua 73 năm xây dựng, phát triển, Đài Tiếng nói Việt Nam tự hào là nơi tập trung của rất nhiều thế hệ nhà báo, nhà văn, nghệ sĩ danh tiếng của đất nước; các nhà quản lý giỏi; các nhà kỹ thuật tinh thông chuyên môn… Quá trình phát triển, Đài Tiếng nói Việt Nam đã từng bước xây dựng, tạo được sự đột phá với chiến lược phát triển lâu dài, đột phá về nội dung, kỹ thuật, tổ chức bộ máy. Đài đã xây dựng được nhiều chương trình mới, gần gũi, gắn với nhu cầu của công chúng; tăng cường thời lượng phát sóng, mở rộng phạm vi phát sóng, phủ sóng; tập trung phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật; thực hiện các chương trình phát thanh trực tiếp; mở các cơ quan thường trú trong nước, ngoài nước; ra đời các kênh truyền hình…
|
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị Nguyễn Văn Hùng trò chuyện, chia sẻ về nhà báo Phan Quang tại cuộc tọa đàm
|
Giai đoạn hiện nay, Đài Tiếng nói Việt Nam tiếp tục quá trình hiện đại hóa, tiếp cận gần hơn với phát thanh thế giới, tạo được uy tín, động lực để đổi mới, trở thành tổ hợp truyền thông đa phương tiện lớn mạnh, phục vụ đắc lực nhiệm vụ xây dựng, phát triển đất nước trong thời kỳ hội nhập sâu rộng trên trường quốc tế.
Dịp này, Đài Tiếng nói Việt Nam phối hợp với Học viện Báo chí và tuyên truyền giới thiệu cuốn sách “Phan Quang – 90 tuổi đời, 70 tuổi nghề”. Ngoài hoạt động trên lĩnh vực báo chí, truyền thông, nhà báo Phan Quang còn được biết đến với vai trò chính khách, nhà văn hóa, dịch giả. Ở vị trí nào, ông cũng để lại những dấu ấn riêng sâu đậm. Ông cũng có quan hệ thân thiết với nhiều nhà báo, nhà văn nổi tiếng trong nước và quốc tế. Tầm ảnh hưởng của nhà báo Phan Quang trong đời sống xã hội khá sâu rộng. Đặc biệt, thái độ làm việc không ngừng nghỉ của ông khiến bạn bè, đồng nghiệp hết sức nể phục.
Năm nay nhà báo Phan Quang tròn 90 tuổi, cuốn sách “Phan Quang – 90 tuổi đời, 70 tuổi nghề” ra đời là món quà rất ý nghĩa nhằm chúc mừng sự đóng góp to lớn của ông đối với nền báo chí nước nhà. Tại buổi tọa đàm, các nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu, bạn bè, đồng nghiệp đã cùng ôn lại những kỷ niệm, trao đổi thêm về cuộc đời, sự nghiệp báo chí của nhà báo Phan Quang.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị Nguyễn Văn Hùng đã bày tỏ sự tự hào, ngưỡng mộ, thán phục trước những đóng góp to lớn của nhà báo Phan Quang - người con của mảnh đất Quảng Trị trong lĩnh vực văn hóa, báo chí cách mạng Việt Nam. Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Hùng cũng chia sẻ về kỷ niệm một số lần được gặp nhà báo Phan Quang và xúc động trước tấm lòng luôn đau đáu, trăn trở và hướng về quê hương Quảng Trị của ông. Bí thư Tỉnh ủy khẳng định, những đóng góp to lớn, mạch nguồn văn hóa và tấm lòng sâu sắc, đậm tình quê hương của nhà báo Phan Quang là động lực góp phần cổ vũ, động viên tỉnh Quảng Trị trên bước đường xây dựng và phát triển.
Thay mặt cán bộ và nhân dân tỉnh Quảng Trị, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Hùng chúc nhà báo Phan Quang dồi dào sức khỏe, tiếp tục có những đóng góp quan trọng trong thời gian tới trên lĩnh vực văn hóa, báo chí, truyền thông, luôn đồng hành, cổ vũ cho quê hương Quảng Trị.
Đức Việt