Đứng lớp giúp người đồng cảnh 

(QTO) - Tuy không may mắn được lành lặn nhưng nhóm giảng viên người khuyết tật ở Quảng Trị đã nỗ lực vượt qua mặc cảm, vươn lên để có cuộc sống tốt đẹp hơn. Với trái tim sẻ chia, họ đã tình nguyện đứng lớp, tập huấn kiến thức, kỹ năng phòng, chống bạo lực cho người đồng cảnh.

Các giảng viên hướng dẫn người khuyết tật làm bài tập nhóm. Ảnh: QH

 

Trận sốt cướp đi đôi chân lành lặn của anh Hoàng Đức Dũng (sinh năm 1977), trú tại thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh từ năm 2 tuổi. Thế nhưng, nó không thể lấy đi nghị lực sống của anh. Vượt mọi khó khăn, anh Dũng đã đến trường, có công việc để làm, giành nhiều huy chương trong các giải đấu thể thao người khuyết tật… Đặc biệt, với năng lực, sự tâm huyết, anh đã trở thành cán bộ Hội Người khuyết tật, Nạn nhân da cam, Bảo trợ người khuyết tật và Bảo vệ quyền trẻ em (NKT-NNDCBTNKT&BVQTE) thị trấn Hồ Xá. Bầu bạn với nhiều người đồng cảnh, anh Dũng nhói lòng khi thấy một số hội viên trở thành nạn nhân của tình trạng bạo lực. Thậm chí, có trường hợp còn bị xâm hại đến mức phải mang thai ngoài ý muốn. Vì thế, khi nhận lời gợi ý của Hội NKTNNDC-BTNKT&BVQTE tỉnh cùng Trung tâm Hành động vì sự phát triển cộng đồng (ACDC) tham gia lớp đào tạo giảng viên nguồn để truyền đạt những kiến thức, kỹ năng phòng, chống bạo lực cho người khuyết tật, anh Dũng lập tức đồng ý. Nhờ chịu khó trau dồi, anh đã để lại dấu ấn với nhiều học viên.

 

Đến giờ, cô gái khuyết tật ở huyện Gio Linh Lê Thị Thơ (sinh năm 1990) đã quen với những chuyến xe đến các địa phương trong tỉnh để tập huấn cho người khuyết tật. Năm 1 tuổi, căn bệnh tắc động mạch đã khiến Thơ mất đi chân trái. Để có tấm bằng đại học, cô gái khuyết tật đã phải cố gắng gấp nhiều người bình thường. Thế nhưng, điều đáng buồn là cầm tấm bằng cử nhân đến đâu xin việc, Thơ cũng chỉ nhận được cái lắc đầu. Để kiếm sống, cô quyết định xin vào làm ở một xưởng may trên địa bàn. Trong tháng ngày bận rộn với những đường may, Thơ vẫn luôn khát khao được làm gì đó để giúp đỡ những người đồng cảnh. Việc trở thành giảng viên đứng lớp trang bị kiến thức, kỹ năng phòng, chống bạo lực cho người khuyết tật chính là giấc mơ có thật của Thơ. “Lần đầu tiên đứng lớp, em cũng run lắm nhưng ánh mắt của những người đồng cảnh đã giúp em lấy lại bình tĩnh và hoàn thành tốt nhiệm vụ. Em hạnh phúc với công việc mình đang làm”, Thơ chia sẻ.

 

Anh Dũng, chị Thơ là hai trong số 9 người khuyết tật được Hội NKT-NNDC-BTNKT&BVQTE tỉnh và ACDC tin tưởng lựa chọn, tạo điều kiện đưa đi đào tạo để đứng lớp tập huấn cho người khuyết tật. Gắn bó với công tác hội và dự án, các cán bộ tâm huyết rất lo lắng khi biết nhiều người khuyết tật trên địa bàn là nạn nhân của bạo lực giới. Chính những đòn roi về cả thể xác lẫn tinh thần đã khiến nhiều người khuyết tật càng chìm sâu trong mặc cảm, tự ti, có trường hợp nghĩ đến sự… giải thoát. Hiểu rõ thực tế ấy, các cán bộ Hội NKT-NNDC-BTNKT&BVQTE và ACDC xác định việc trang bị kiến thức, kỹ năng phòng, chống bạo lực cho người khuyết tật là điều rất cần thiết. “Chúng tôi quyết định chọn lựa những người khuyết tật có trình độ, uy tín, năng lực, tâm huyết đưa đi đào tạo để trở thành giảng viên nguồn. Ngoài giúp cung cấp kiến thức, kỹ năng, chúng tôi còn kỳ vọng họ sẽ truyền cảm hứng cho những người đồng cảnh”, chị Nguyễn Thị Ngọc Lan, Điều phối viên ACDC tại Quảng Trị cho biết.

 

Không phụ sự kỳ vọng của cán bộ Hội NKT-NNDCBTNKT&BVQTE và ACDC, sau khi khóa đào tạo tại thành phố Đà Nẵng kết thúc, nhóm người khuyết tật được lựa chọn làm giảng viên nguồn đã nhanh chóng tiếp cận công việc. Để tự tin đứng lớp, họ dành nhiều ngày để ngồi lại trao đổi, thảo luận từng bài giảng. Ai cũng xác định phải “phá vỡ” hình thức tập huấn đọc chép cũ bằng việc tổ chức nhiều hoạt động khác nhau. Trong lớp, học viên chính là trung tâm. “Phần lớn người khuyết tật đều khá rụt rè. Nhiều người gặp khó khăn trong vận động, quan sát… Vì thế, chúng tôi xác định sẽ có rất nhiều thử thách đặt ra trong việc giảng dạy. Tuy nhiên, anh em không lấy đó làm lo lắng, ngược lại thêm quyết tâm. Đến lớp, học viên sẽ cảm nhận rõ họ không đơn độc, lạc lõng”, anh Trần Anh Tuấn, một giảng viên khiếm thị chia sẻ.

 

Có quyết tâm cao cộng với sự chuẩn bị chu đáo nên nhóm giảng viên người khuyết tật đều khá tự tin khi đứng lớp tập huấn. Bao giờ cũng vậy, lớp tập huấn bắt đầu bằng các hoạt động làm quen để giúp nhau xóa bỏ mọi rào cản. Sau đó, lần lượt những kiến thức, kỹ năng về phòng, chống bạo lực sẽ được các giảng viên tâm huyết truyền đạt với nhiều cách khác nhau như trò chuyện, vẽ tranh, đóng kịch, mở nhạc, làm việc nhóm… Các giảng viên khéo léo đưa ra những tình huống để học viên trao đổi, thảo luận. Cùng với đó, họ cũng khuyến khích các thành viên trong lớp mở lòng, chia sẻ về những khó khăn, vướng mắc mà mình gặp phải trong cuộc sống để cùng nhau tháo gỡ, giải quyết. Vì thế, dù lớp tập huấn diễn ra suốt một ngày nhưng không học viên nào cảm thấy chán.

 

Tính đến nay, thông qua Hội NKT-NNDCBTNKT&BVQTE và ACDC, nhóm giảng viên người khuyết tật đã truyền đạt kiến thức, kỹ năng cho hàng trăm người khuyết tật trong 8 lớp tập huấn. Dù gặp khó khăn trong đi lại nhưng họ không ngại đến mọi miền quê để làm nhiệm vụ. Có những hôm, các giảng viên phải thức dậy từ 4, 5 giờ sáng để kịp chuyến xe lên miền núi. Dù giảng chính hay phụ, họ cũng cố hết sức để làm tròn công việc của mình. Có những hôm giảng xong, ai nấy khản cả cổ họng, chân tay mỏi rã rời. Món quà đáng giá nhất mà họ nhận được là sự quan tâm, chú ý của các học viên. Đặc biệt, nhiều người khuyết tật có sự chuyển biến tích cực sau khi tham gia lớp tập huấn. Họ đã biết cách tự bảo vệ mình và những người đồng cảnh. Chị Trần Thị Hưởng (sinh năm 1970), trú tại Khu phố 5, thị xã Quảng Trị chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên tôi tham gia một lớp tập huấn cho người khuyết tật. Ban đầu, tôi chỉ nghĩ đi cho vui, ai ngờ học được nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích. Giờ thì tôi đã biết cách để bảo vệ mình và những người khuyết tật xung quanh tốt hơn”.

 

Phó Chủ tịch Hội NKT-NNDC-BTNKT&BVQTE tỉnh Phùng Xuân Quý cho biết, cán bộ hội và ACDC rất vui mừng trước những kết quả mà các lớp tập huấn phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới đối với người khuyết tật mang lại. Thời gian qua, tình trạng bạo lực xảy ra khá nhiều đối với người khuyết tật trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là ở phụ nữ và trẻ em. Thực trạng này không chỉ xảy ra ngoài cộng đồng mà còn trong gia đình. Nhiều người khuyết tật là nạn nhân của bạo lực nhưng chấp nhận, có trường hợp không nhận thức được đó là hành vi đáng lên án, ngăn cấm. “Nhờ các giảng viên giàu năng lực, tâm huyết mà nhiều hội viên, người khuyết tật đã được trang bị kiến thức, kỹ năng phòng, chống bạo lực. Đặc biệt, các giảng viên người khuyết tật đã truyền cảm hứng cho học viên tham gia lớp tập huấn khát vọng vươn lên và cống hiến nhiều hơn”, ông Quý khẳng định.

 

Quang Hiệp

405 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1253
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1253
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87109548