Các tàu cá của ngư dân Bình Thuận được đóng mới, nâng cấp theo Nghị định 67 của Chính phủ.
Thực hiện chính sách đóng mới, nâng cấp tàu cá theo Nghị định 67 của Chính phủ, đến nay, UBND tỉnh Bình Thuận đã phê duyệt danh sách đóng mới 162 tàu, trong đó 113 tàu vỏ gỗ, 28 tàu vỏ thép và 21 tàu composite, và phê duyệt nâng cấp cải hoán 33 tàu. Hiện đã có 95 tàu được ngân hàng cam kết cho vay, chủ tàu đã ký hợp đồng tín dụng với số tiền 732 tỷ đồng. Đã giải ngân 657 tỷ đồng để đóng mới, nâng cấp 95 tàu. Có 84 chiếc tàu đóng mới, 5 chiếc tàu nâng cấp bằng nguồn vốn vay ngân hàng theo Nghị định 67 đã hoàn thành, hạ thủy đi vào hoạt động sản xuất. Trong 84 chiếc tàu đóng mới có 74 tàu vỏ gỗ, 9 tàu vỏ thép, 1 tàu composite; phân theo nghề, có 37 tàu dịch vụ hậu cần, 47 tàu khai thác hải sản (20 tàu nghề câu, 4 tàu nghề vây, 18 tàu mành chụp và 5 tàu lưới rê).
Nghị định 67 tại Bình Thuận, các ngành, các cấp chính quyền địa phương đã tích cực đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách phát triển thủy sản theo Nghị định 67. Đặc biệt, bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức trên các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức các buổi tọa đàm tuyên truyền, tư vấn; ngành ngân hàng đã tích cực xây dựng tài liệu tóm tắt điều kiện vay, trình tự thủ tục, thành phần hồ sơ vay để công khai tại địa điểm cho vay và gửi Chủ tịch UBND các phường, xã, thị trấn để phối hợp tuyên truyền đến các đối tượng liên quan, thành lập các tổ công tác tại chi nhánh, phòng giao dịch để trực tiếp xuống các xã, phường, thị trấn hướng dẫn ngư dân hoàn thiện thủ tục vay vốn theo quy định, nhờ đó ngư dân đã thông hiểu được quy trình, hồ sơ, thủ tục vay đóng mới và nâng cấp tàu cá. Với sự đồng lòng nỗ lực của các ngành, các cấp đã đưa Nghị định 67 đến được với ngư dân Bình Thuận, tiến độ giải ngân cho vay đóng mới, nâng cấp tàu cá theo Nghị định 67 ở Bình Thuận đang ở tốp đầu toàn quốc…
Cho đến nay, cơ bản các tàu cá đóng mới, nâng cấp tàu cá xa bờ theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP trên địa bàn tỉnh đều bảo đảm chất lượng. Quá trình tổ chức thực hiện đóng mới từ khâu thiết kế kỹ thuật, phê duyệt thiết kế, công tác giám sát, kiểm tra an toàn kỹ thuật của cơ quan Đăng kiểm tàu cá và việc giám sát thực hiện hợp đồng đóng tàu của chủ tàu trong suốt quá trình thi công đã được tổ chức nghiêm túc, chặt chẽ, đúng quy trình kỹ thuật.
Chính sách tín dụng đóng mới, nâng cấp tàu cá theo Nghị định 67 thời gian qua đã góp phần quan trọng hỗ trợ ngư dân Bình Thuận nguồn vốn đóng mới cũng như nâng cấp tàu cá để có phương tiện hoạt động đánh bắt xa bờ tốt hơn. Từ đó, giúp cho hoạt động đánh bắt của ngư dân được ổn định hơn, nâng cao thu nhập; đồng thời, xóa dần tình trạng đánh bắt gần bờ làm cạn kiệt nguồn thủy sản tự nhiên gần bờ. Thực hiện chính sách, hoạt động đánh bắt xa bờ được đẩy mạnh cũng góp phần rất lớn vào việc bảo vệ vùng lãnh hải của nước ta./.
Tin, ảnh: Thành Long