Theo đồng chí Lê Duẩn, công tác tư tưởng có vị trí hàng đầu không chỉ vì Ban đặc biệt ra đời trước khi có Đảng mà: “Khi con người làm việc gì thì họ phải có ý thức nghĩ về việc đó, phải có lý luận về việc đó, phải có quan điểm, lập trường về vấn đề đó”. Mặt khác, làm tốt công tác tư tưởng sẽ thúc đẩy sự sáng tạo của nhân dân lao động. Đồng chí cho rằng: “Khi nhân dân lao động đã được giải phóng, thì yếu tố tinh thần có tác dụng vô cùng to lớn trong sự nghiệp xây dựng chế độ mới.
Để phát huy đến cao độ và sử dụng triệt để yếu tố tinh thần ấy, phải cải tạo và không ngừng bồi dưỡng tư tưởng cho quần chúng lao động, phải ra sức nâng cao trình độ văn hoá và kỹ thuật cho họ”. Và như thế, tư tưởng không còn là yếu tố tinh thần đơn thuần mà nó sẽ biến thành sức mạnh vật chất. Điều này đã được kiểm nghiệm trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc ta vừa qua. Mặc dù phải đương đầu với kẻ thù hung hãn, mạnh gấp nhiều lần nhưng nhờ làm tốt công tác giáo dục, động viên, khơi dậy lòng yêu nước với tinh thần quyết chiến, quyết thắng nên cuối cùng chúng ta đã chiến thắng. Để làm tốt công tác tư tưởng phải hết sức coi trọng bồi dưỡng tình cảm cách mạng. Theo đồng chí “Người cách mạng phải có tình cảm”, bởi “Công tác tư tưởng không chỉ nắm lý luận không thôi, mà phải biết gắn tình cảm với lý luận”.
Đồng chí thường khuyên chúng ta: “Con người không chỉ sống với miếng cơm manh áo, mà còn có đời sống tình cảm; đời sống văn hoá, những cái đó gắn liền với dân tộc”. Cho nên, đồng chí thường nhắc trong công tác tư tưởng phải kết hợp giáo dục đường lối chính sách với bồi dưỡng tình cảm cách mạng. Đồng chí cho rằng: “ Người cán bộ nhìn một bà cụ già ăn xin, mặc áo rách và một em bé ăn mặc cũng rách rưới mà không thấy đau lòng thì tình cảm cách mạng của người ấy “đã cạn” đi rồi đấy”. Có lần nói chuyện với cán bộ ngành giáo dục, đồng chí nhắc nhở:”Thầy giáo muốn dạy học tốt phải hiểu con người một cách sâu sắc”... “Dạy học tức là trang bị cho các em về đạo đức. Cái gốc của đạo đức, của luân lý là lòng nhân ái”.
Chính sự nhân ái, hòa hiếu, trên dưới một lòng đã tạo cho dân tộc Việt Nam có một sức mạnh phi thường. Và cội nguồn của điều đó chính là công tác tư tưởng. Lý giải thêm điều này, đồng chí nói: “Có lẽ do biết coi trọng đạo lý làm người và biết làm người mà dân tộc Việt Nam ta đã đấu tranh tồn tại được và trưởng thành nên một dân tộc độc lập, một quốc gia độc lập. Đạo lý làm người đó đã hun đúc nên dân tộc Việt Nam và tạo cho dân tộc ta một sức sống mãnh liệt và cũng nhờ thế mà ngày nay chúng ta mới có được những trang sử vô cùng oanh liệt và vẻ vang”. Công tác tư tưởng quan trọng như vậy, nên yêu cầu đối với người cán bộ càng phải cao. Một trong những vấn đề đó là phải tập trung, suy nghĩ. Đồng chí Lê Duẩn cho rằng: “Cái hại lớn của người cán bộ là sự tản mạn tư tưởng”, vì vậy “Mỗi ngày cố tập thành thói quen tập trung tư tưởng chừng một giờ “.
Mặt khác, đồng chí yêu cầu các đồng chí bí thư, phó bí thư cấp uỷ phải trực tiếp “nắm Ban Tuyên huấn”, phải hết sức quan tâm đến công tác cán bộ làm công tác tư tưởng. Mặc dù rất coi trọng công tác tư tưởng, đồng chí Lê Duẩn không quên căn dặn: “...Nếu chúng ta cường điệu tác dụng của tư tưởng, cho tư tưởng là vạn năng... thì dễ sa vào duy tâm; ngược lại nếu chúng ta không thấy tính chủ động của tư tưởng... thì sẽ rơi vào duy vật máy móc”. Khắc sâu lời dạy của đồng chí Lê Duẩn, để công tác tư tưởng đáp ứng ngày càng cao tình hình và nhiệm vụ mới, cần quán triệt nguyên tắc toàn Đảng làm công tác tư tưởng, trong đó phát huy vai trò lãnh đạo của cấp ủy và người đứng đầu. Cấp ủy đảng và người đứng đầu cần nắm chắc tình hình tư tưởng; phân tích và định hướng tư tưởng, chỉ đạo xử lý các tình huống tư tưởng một cách nhanh chóng, kịp thời.
Các cấp, các ngành, các đơn vị cần duy trì thành nền nếp chế độ nắm bắt, phân tích và định hướng tư tưởng. Tăng cường hoạt động nắm dư luận xã hội của các giai tầng, các địa bàn, trước và trong mỗi sự kiện có tác động lớn tới tư tưởng. Đổi mới hoạt động nghiên cứu lý luận và giáo dục lý luận theo hướng mở rộng dân chủ, tổng kết thực tiễn, phát triển Chủ nghĩa Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, trả lời cho được những vấn đề mới nảy sinh trong quá trình đổi mới, làm sáng tỏ con đường đi lên CNXH và những bước đi cụ thể trong chặng đường hiện nay.
Đổi mới mạnh mẽ việc giảng dạy và học tập lý luận chính trị trong các trường chính trị, các trường đại học, cao đẳng và trong các trường phổ thông; đổi mới nội dung học, phương pháp dạy, tập trung đào tạo lại, đào tạo mới lực lượng giảng viên lý luận chính trị. Xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ, đảng viên làm công tác tuyên giáo, bởi theo Tổng Bí thư Lê Duẩn “Muốn làm tốt công tác tư tưởng cần phải có tổ chức tốt, có đội ngũ tốt”. Đội ngũ đó phải “vừa hồng, vừa chuyên”, đặc biệt nâng cao khả năng dự báo, tăng cường tính thuyết phục, tính hiệu quả, tính chủ động, tính chiến đấu. Các phương tiện phục vụ cho hoạt động tư tưởng ở nước ta hiện nay tuy đã được trang bị nhưng còn khá lạc hậu, thiếu đồng bộ, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Các cấp ủy đảng cần tăng cường đầu tư hơn nữa cơ sở vật chất, từng bước hiện đại hóa trang thiết bị. Thường xuyên tổ chức tập huấn để cán bộ tuyên giáo các cấp có thể sử dụng thành thạo các phương tiện hiện đại, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của mặt trận tư tưởng-văn hóa.
Phát huy sức mạnh tổng hợp của các “binh chủng” làm công tác tư tưởng, gồm hệ thống các cơ quan nghiên cứu lý luận, các cơ quan giáo dục lý luận chính trị, đội ngũ báo cáo viên, truyên truyền viên, hệ thống báo chí, xuất bản, phát hành, các thiết chế văn hóa, lực lượng văn học nghệ thuật, khoa giáo…góp phần giữ vững trận địa văn hóa - tư tưởng ở nước ta hiện nay.
Nguyễn Trí Ánh